Chùa Việt Nam tại Hàn Quốc

Chùa Viên Ngộ

베트남불교 원오사

Trang chủ

Bài mới

Search

Kính bạch đức Thế Tôn

Mấy năm nay, màu áo tu bị mờ phai trong đức tin của quần chúng. Thế gian cho rằng, chiếc áo lam khói hương đã phai hương giới đức; chiếc áo nâu nhẫn nhục đã thiếu nhẫn chỉ còn lại nhục; chiếc áo vàng giải thoát đã chưa giải được con đường thoát.

Cố nhiên, trong đoàn thể chúng con, những trường hợp làm cho đạo pháp bị tổn thương chỉ là vài hạt cát; khổ nổi hạt cát lại rơi vào con ngươi nên trở thành lớn chuyện. Có những đồng môn của chúng con bị ngã quỵ trong bẫy tài, sắc, lợi, danh; một số khác bị vướng vào chính cái “trí tệ” của mình. Ngồi tòa chánh pháp mà xuất ngôn toàn phi pháp, thuyết giảng đạo lý mà mở lời toàn phi lý. Một số ít miệng nói kinh Phật mà tay làm kinh doanh, tướng hiện tăng nhân mà hành động là phàm nhân, sống nếp đoạn ái mà bị sa vào luyến ái, sự hưởng thụ cao tột là ly dục sinh lạc mà bị cuốn vào dục lạc thường tình. Những điều chướng đó làm cho thế gian khó chịu rồi lên tiếng, còn người không có thiện cảm với đạo thì hả hê. Ôi! Trong nuôi dưỡng Phật tâm mà ngoài cứ để thế gian phật lòng!

Dẫu Giáo hội đã yết ma cử phạt, dẫu pháp luật đã can thiệp chỉnh đốn nhưng pháp lý nằm ở hiến pháp và hiến chương còn đạo lý nằm ở đức tin và lòng người; phải giải thích sao đây, trả lời sao đây với người có đức tin Tam Bảo, với lòng người mến đạo!

Một tu sĩ bị kỷ luật thì ai đau? Tự thân người ấy hối hận buồn đau đã đành mà tín đồ, những người đồng tu, giáo hội và cả thế giới đạo Phật cũng buồn đau.

Cơn gió nào đã lùa mùi phú quí, bả lợi danh vào cửa thiền khiến thế gian có dịp đem “hạnh đầu đà” ra để so sánh, để đàm tiếu. Tồi tệ hơn, hai chữ “đầu đà” nhanh chóng trở thành điểm khai thác, săn lùng, mổ xẻ với mục đích tư lợi (hay có mục đích khác) của những ống kính chuyên tạo “sản phẩm theo ý mình” rồi đưa lên không gian mạng, đồng hóa cái cá thể thành cái đại thể, cái bộ phận với cái toàn phần.

Đầu đà là hạnh tu con vô cùng trân quý, điều mà con đã có ước nguyện nhưng chưa thực hiện được. Đầu đà là pháp môn giúp hành giả thực tập nếp sống buông bỏ, xả ly, ly tham, hướng đến ly dục. Đây là pháp phương tiện, là chánh nhân đưa đến chánh quả, chưa phải là cứu cánh.

Thế Tôn đã có những tháng năm ép xác khổ hạnh. Ngài chỉ ăn cỏ, ăn trấu, ăn rễ cây; mặc áo cỏ, vải tẩm liệm; ngủ bãi tha ma; thân thể bụi bặm đóng thành vẩy, thành miếng. Suốt nhiều năm tháng đeo đuổi thực hành, cuối cùng nhận ra con đường này không đem lại giải thoát nên Ngài đã từ bỏ. (Kinh Trung bộ – Ðại Kinh Sư Tử Hống). Cho đến sau này, khi chứng đạo, Thế Tôn đã chỉ rõ: Có hai cực đoan người tu nên tránh: say đắm dục lạc, thuộc về phàm phu, không có lợi ích; và ép xác khổ hạnh khiến cho đau khổ, không thuộc thánh nhân cũng không có lợi. Từ bỏ hai cực đoan ấy, chọn pháp Trung đạo (Thánh đạo tám ngành) giúp Như Lai chứng được chánh giác dẫn đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn (kinh Chuyển Pháp Luân).

Đức Thế Tôn dạy, thực tập hạnh đầu đà là buổi sáng vào làng khất thực đến đúng giờ ngọ, hành giả chọn gốc cây ngồi thọ thực. Sau giờ ngọ là phải vào rừng chuyên tâm công phu, thiền quán. Thực tập hạnh đầu đà giúp hành giả ít ham muốn, lòng thành thơi, giảm tiêu dùng, bớt hao tổn,  nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì hạnh đầu đà chưa nói lên được ý nghĩa. Nhờ tu hạnh đầu đà nên hành giả không bận tâm về cái ăn, mặc, ở – phục vụ cái thân – chỉ chuyên tâm quay vào bên trong tĩnh tâm thiền toạ – chăm sóc nội tâm. Ngoài thời gian đi khất thực, hành giả không vô cớ đi ra đường xá, phố thị, phải tránh xa đám đông, có di chuyển chăng là thiền hành trong rừng. Những ngày tháng thực tập hạnh đầu đà, đức Thế Tôn chọn ở chốn rừng sâu và an trú nơi không có bất cứ ai. Có lần Ngài kể cho tôn giả Xá Lợi Phất nghe: “Này Sariputta, khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi, hay người tiều phu, Ta liền đi từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Vì sao vậy? Ta nghĩ rằng: Mong họ đừng thấy Ta, và mong Ta đừng thấy họ!”. (Kinh Trung bộ – Ðại Kinh Sư Tử Hống).

Sống bình dị, không dính mắt vật chất, không màng các nhu yếu về sinh hoạt, là người có phẩm hạnh thanh cao. Nếu là người tu có thọ giới được hiểu là người có giới đức. Để tiếp tục thăng tiến trên lộ trình giải thoát, vị hành giả phải vun bồi tâm đức (thiền định) và tuệ đức (thiền tuệ) thì mới chạm được pháp ấn của Thế Tôn, mới giải quyết được việc sinh tử. Hành trình vạn lý là thước đo của ý chí và sức lực, không có tác dụng làm tăng trưởng đạo lực, không gột rửa được tâm trong – tuệ sáng.

Giữ gìn tịnh giới, tu tập thiền định và tu tập thiền tuệ là ba môn vô lậu giúp hành giả giải phóng vô minh, sáng đường tới cửa giải thoát. Hạnh đầu đà chưa phải là giới mà chỉ là “trợ giới”, giúp hành giả tịnh hóa thân tâm, trang nghiêm giới đức. Hai bước quan trọng tiếp theo là tu tập định và tu tập tuệ.

Một lần các thánh đệ tử đã ngồi pháp đàm tại khu rừng Gosinga xinh đẹp. Tại đây, mỗi thầy nói lên công hạnh của mình như là sự góp mặt làm cho khu rừng trở nên sáng rỡ. Trong đó có tôn giả Đại Ca Diếp là đệ nhất đầu đà cũng ca ngợi hạnh khổ tu là tối thắng. Cuối cùng hội chúng được bậc Đạo sư chỉ dạy: “Tất cả các thầy đều lần lượt khéo trả lời, nhưng hãy nghe Ta nói: Vị nào, sau khi khất thực về và thọ thực xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: “Ta sẽ không bỏ ngồi kiết già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các phiền não, không có chấp thủ”. Đó mới là hạng Tỷ-kheo có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga. (Trung bộ kinh – Đại kinh rừng sừng bò, số 32). Rừng cây ở đây được hiểu là điểm tu tập, là trú xứ của hội chúng xuất gia. Thời nay đó là chỉ cho những ngôi chùa, những thiền viện, nơi chốn tu hành.

Năm xưa, các thánh đệ tử muốn thực tập hạnh đầu đà, sống viễn ly thì phải có thời gian nương vào hội chúng tu tập, sống hoà hợp cùng chúng, được chúng bảo hộ, nhắc nhở, chỉ cho những khiếm khuyết, những điều thô lậu của ba nghiệp. Nhờ sống trong hội chúng mới có sự tương tác, lộ dần những khiếm khuyết nơi tự thân mà sửa chữa, khắc phục. Không sống cùng chúng sẽ không có cơ hội thực tập hạnh hòa kính, hạnh nhẫn nhục; nội ma dễ khởi, bản năng khó trừ, tham dục, bất mãn khó dứt, tâm đầy rối rắm, hoang vu, phiền não chồng chất.

Sau khi tâm đã được nhiếp phục, tính đã được thuần thục, chỉ còn lại những lỗi lầm vi tế, những nghiệp tàn dư mới được phép xuất chúng thực tập hạnh đầu đà.

Có nhiều thánh đệ tử đã xin được vào rừng thực tập hạnh viễn ly, quán sát căn cơ thấy chưa ổn nên Đức Thế Tôn chưa chấp thuận nhưng vẫn “tinh tấn thái quá” vào rừng ngồi một mình để “thành Phật cho nhanh”. Do đạo lực chưa vững, nên khi đối diện chính mình dục tầm, sân tầm, hại tầm khởi lên, phiền não tuông trào như thác lũ trong tâm thức đã không thể nào tu được phải quay về hội chúng. Không nương vào thầy tổ, hội chúng để học pháp sẽ không có chánh tri kiến, chánh tư duy, không thấy rõ được lộ trình tu tập.

Chúng con vô cùng may mắn vì đã có Đức Thế Tôn. Ngài đã kinh qua không biết bao nhiêu đường hướng tu tập và cuối cùng Ngài đã đưa ra lộ trình tu tập trung đạo là Thánh đạo tám ngành: thấy biết chơn chánh, tư duy chơn chánh, nói năng chơn chánh, hành động chơn chánh, nghề nghiệp chơn chánh, tinh tấn chơn chánh, nhớ nghĩ chơn chánh, và định lực chơn chánh. Ngài cũng dạy có con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt thánh đạo và chứng ngộ niết bàn, đó là bốn tuệ quán: sắc thân, cảm thọ, tâm hành và các pháp; tinh cần, chánh niệm và tỉnh giác, loại trừ mọi tham ái và ưu phiền trong cõi đời (kinh Đại niệm xứ – Mahàsatipatthana Sutta).

Con kỳ vọng, những người dù xuất gia hay tại gia, dù qui y Tam Bảo hay chỉ có tình cảm với đạo, ngay cả những vị sống ngoài đạo Phật cũng cần có sự thấy biết sâu sắc để có được tư duy sâu sắc rằng: Vị cư sĩ rõ biết đây là vị cư sĩ; bậc sa môn rõ biết đây là bậc sa môn. Người có giới rõ biết đây là người có giới, người có định rõ biết đây là người có định và người có tuệ rõ biết đây là người có tuệ.

(Chuỗi bài quán niệm Thế Tôn – Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con)

Trí Chơn

Các bài viết liên quan:
la-thu-phuong-xa1
Lá thư phương xa
DUCANH1
Số 1: Tiếng đàn tam thập lục vang lên trên đất khách
ap-u-sen-viet-1
Ấp ủ về chuyên mục 'Sen Việt xứ Hàn’
quang-ba-van-hoa-17
Quảng bá văn hóa Việt Nam giữa thủ đô Seoul
kiep-hu-ao-va-cuoc-hon-thua
Bài 2: Kiếp hư ảo và cuộc hơn thua
hai-nguyen-dieu-hanh-3
Chùa Hải Nguyện lần đầu tiên tham gia Lễ hội Nhiên Đăng tại Busan
nguoi-tu-tap
Bài 5: Thấy biết sâu sắc về hạnh tu và người tu
tang-doan
Bài 4: Đạo quí cao tột - Đức đẹp vô cùng