"Mái chùa che chở hồn dân tộc"

05/05/2017 15:09
VNO - Đó là chủ đề cũng là thông điệp mà chương trình triển lãm về văn hóa Phật giáo của Đạo tràng Viên Ngộ tại Hàn Quốc muốn gửi đến quý Phật tử và khách tham quan trong mùa Phật Đản 2017.

mai chua2

Từ khi du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã đồng hành với dân tộc ta qua bao thăng trầm của lịch sử và hình ảnh mái chùa cổ kính trầm mặc, thấp thoáng dưới những bóng xanh cổ thụ đã trở thành biểu tượng đẹp cho văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đó là chốn tôn nghiêm, nơi hội tụ những tinh hoa của Phật pháp; nơi ngự trị của những giá trị tinh thần thiêng liêng hướng về thế giới tâm linh; là nơi đại chúng đồng tu trong tinh thần Lục hòa để gieo duyên, hoằng pháp; là bến đỗ bình yên để hàng Phật tử tìm về,... Qua năm tháng thời gian, trong tâm thức dân tộc, mái chùa trở thành nơi “che chở hồn dân tộc”. Đó là lý do trong vô vàn nỗi nhớ của những người con Phật khi đi xa, nỗi nhớ về ngôi chùa mình từng gắn bó là nỗi nhớ trong trẻo mà da diết nhất. Hòa thượng Thích Mãn Giác đã từng truyền nỗi “Nhớ Chùa” da diết ấy đến trái tim các Phật tử qua nhiều thế hệ trong niềm tự hào vô tận:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông”

mai chua1

Giới thiệu "Mái chùa che chở hồn dân tộc"

mai chua6Vì vậy, đến với gian hàng triển lãm giới thiệu về văn hóa Phật giáo Việt Nam của Đạo tràng Viên Ngộ trong mùa Phật Đản, chúng ta sẽ bắt gặp lại hình ảnh những “mái chùa che chở hồn dân tộc” in dấu ấn thời gian và đi vào tâm thức các thế hệ người dân Việt Nam. Đó là Chùa Một Cột hay Chùa Diên Hựu giữa lòng Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn vật; là Thiền Viện Trúc Lâm trên thành phố Hoa bảng lảng sương mù Đà Lạt; là Chùa Thiên Mụ trầm mặc bên dòng Hương Giang yên bình xứ Huế; là Chùa Vĩnh Nghiêm, “Đại danh lam cổ tự”, nơi hợp lưu của những dòng sông trữ tình thơ mộng ở Bắc Giang,... Trong đó, Chùa Một Cột - “đóa sen nghìn năm trong lòng Hà Nội”, được Tổ chức Kỷ lục Châu Á ghi nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á” năm 2012. Là một Phật tử, ai không khỏi tự hào và nghiêng mình trước những mái chùa đã “chở che hồn dân tộc” qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử và thời gian ấy.

mai chua3

Cung thỉnh chư Tôn đức quang lâm

mai chua4

mai chua7

mai chua8

Đến với gian hàng triển lãm văn hóa Phật giáo của Việt Nam, khách tham quan như được đi dọc chiều dài của đất nước để chiêm bái những Thánh tích Phật giáo trên hình chữ S. Ở đó, bàn chân của Phật tử và du khách sẽ dừng lại ở 19 ngôi chùa - Thánh tích Phật giáo ở 15 tỉnh thành trên mảnh đất cong cong hình chữ S với những hình ảnh sống động và ấn tượng. Từ Bắc Giang với ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, nơi có “Mộc bản Vĩnh Nghiêm” được công nhận là Di sản tư liệu Châu Á – Thái Bình Dương năm 2012; qua Bắc Ninh với Chùa Dâu – Trung tâm Phật giáo sớm nhất Việt Nam; về Ninh Bình với Chùa Bái Đính – Ngôi chùa lớn nhất, bề thế nhất Việt Nam; vào Đà Nẵng với Chùa Linh Ứng – nơi có Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam; đến TP Hồ Chí Minh thăm Chùa Hoằng Pháp – Trung tâm Tịnh Độ Tông lớn nhất Việt Nam; rồi về miền sông nước An Giang với ngôi Chùa Phật Lớn – nơi có Đại Phật Di lặc lớn nhất Châu Á..., chúng ta sẽ cảm nhận được “hồn dân tộc” và hơi ấm của mảnh đất quê hương qua từng kiểu kiến trúc, từng sắc màu đặc trưng cho những Tông phái Phật giáo trong mái nhà chung “Phật giáo Việt Nam”.

mai chua5

mai chua9

Tôi dừng lại ngắm nhìn đất nước mình qua những Thánh tích Phật giáo mà lòng bồi hồi xúc động. Có những nơi bàn chân tôi đã đi qua, giờ chỉ còn trong hoài niệm; có những nơi còn xa lắc xa lơ trong tiềm thức; có những chốn chỉ hiển hiện trong những giấc mơ; có những ngôi chùa chỉ thấp thoáng trong những huyền tích xa xưa,... Nhưng tại nơi này, khi tôi đã cách xa đất nước mình bằng một không gian mỏi cánh chim bay, tất cả bỗng hóa thân quen. Trong tôi bỗng trào dâng một khát khao cháy bỏng, tôi khát khao một ngày, Phật tử Việt Nam có được mái chùa mang đậm nét văn hóa Việt trên đất Hàn. Đó cũng là nỗi khát khao của những người con Phật đang sống tha phương như tôi. Bởi chúng tôi hiểu, với những Phật tử, dù đi đâu, dù sống ở đâu, nếu có được mái chùa để tâm linh tìm về nương tựa, họ sẽ gắn kết hơn trong tình đồng hương, đồng Đạo, để giúp nhau vượt qua được những chướng duyên, những nghịch cảnh mà sống tốt đời đẹp Đạo và gìn giữ được văn hóa của dân tộc mình.

mai chua10

mai chua11

Du khách nước ngoài hoan hỷ tắm Phật

mai chua12

Hy vọng với sự gia hộ của chư Phật, với uy đức của Tăng Ni và công đức của Phật tử, nguyện ước của Cộng đồng Phật giáo Việt Nam trên đất Hàn sẽ sớm thành tựu viên mãn. Và hy vọng trong tâm thức của mỗi người con Phật, ý niệm vun bồi, tu dưỡng để mái chùa mãi mãi là nơi “che chở hồn dân tộc” luôn hiện hữu, dù cuộc sống có đổi thay.

Bài: Tuệ Xương Trần Mai Nhân

Ảnh: Dũng Nguyễn, Tiến Nguyễn



Các tin tức khác

Back to top