Chùa Việt Nam tại Hàn Quốc

Chùa Viên Ngộ

베트남불교 원오사

Trang chủ

Bài mới

Search

Thành quả thu thập hơn 100 bức tranh in mộc bản Phật giáo bằng phương pháp in ấn truyền thống Hàn Quốc của Bảo tàng Mộc bản tranh in cổ Chùa Myeongju (Minh Châu tự) (khảo sát các ván khắc tranh Phật giáo tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 8 năm 2024).

 

Hợp tác giao lưu học thuật trong việc điều tra khảo sát và tiến hành in ấn các ván khắc tranh Phật giáo tại 12 ngôi chùa nổi tiếng từ miền Bắc đến miền Trung Việt Nam.

Hội Nghiên cứu Tranh in mộc bản cổ Hàn Quốc đã thực hiện chuyến khảo sát quốc tế lần thứ 19 trong 11 ngày từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 8, tại các ngôi chùa nổi tiếng từ miền Bắc đến miền Trung Việt Nam. Trong chuyến khảo sát này, đoàn nghiên cứu đã tiến hành điều tra quy mô lớn các tác phẩm hội họa Phật giáo và tiến hành in hơn 100 tác phẩm hội họa cổ tại các ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam bằng phương pháp in ấn truyền thống của Hàn Quốc.

Chuyến khảo sát lần này được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Hiệp hội Nghiên cứu Tranh in mộc bản cổ Hàn Quốc và Bảo tàng Mộc bản tranh in cổ Hàn Quốc, với sự tham gia của Đại sư Han Seon-hak – Giám đốc Bảo tàng, Đại đức Thích Đồng Dưỡng – trụ trì của chùa Ba Phong (Quảng Nam) và Sư cô Đại Hải (Nha Trang) của Việt Nam.

 

Chuyến khảo sát các tác phẩm mộc bản Phật giáo tại Việt Nam lần này bao gồm các di tích như chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, nơi lưu giữ các tác phẩm mộc bản đã được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới, cùng nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác như chùa Linh Ứng – nơi lưu giữ Như Lai ứng hiện đồ, chùa Hoa Lâm (Hà Nội), Phòng lưu trữ di sản mộc bản trực thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, chùa Chúc Thánh (Hội An) – nơi lưu giữ mộc bản Quan Âm Bồ tát Phổ môn phẩm, chùa Quang Lộc (Quảng Ngãi) – nơi lưu giữ mộc bản A Di Đà lai nghinh đồ, chùa Ba Phong (Quảng Nam), chùa Quán Âm Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), chùa Thiên Đức (Hội An). Tại đây, đoàn công tác tiến hành nhiều hoạt động hợp tác giao lưu học thuật về tranh in mộc bản cổ.

 

Chuyến khảo sát này được thực hiện theo đề nghị của Đại đức Thích Đồng Dưỡng chùa Ba Phong (Quảng Nam) để nghiên cứu và làm rõ về các mộc bản Phật giáo tại Việt Nam. Đặc biệt, không chỉ khảo sát các mộc bản Phật giáo, mục tiêu chính của chuyến khảo sát này là tiếp cận và tiến hành in ấn lại các mộc bản này để lưu trữ tại Việt Nam và Hàn Quốc. Đây cũng là cơ hội để đoàn công tác truyền đạt phương pháp in ấn truyền thống sử dụng loại giấy Hanji truyền thống với tính năng ưu việt được chế tác tại Wonju và kĩ thuật in thủy tính tranh mộc bản mà Bảo tảng Tranh in mộc bản cổ đã lưu giữ và phát triển trong hơn 30 năm cùng.

 

Thầy Kwon Hyeok-song – nhà giáo dục tranh in mộc bản đã tái hiện lại kĩ thuật in truyền thống bằng giấy Hanji, các dụng cụ được sử dụng tại Bảo tảng Tranh in mộc bản cổ Hàn Quốc cùng dụng cụ Maryeok được làm từ tóc người sử dụng để chà giấy khi in. Đây là một cơ hội quan trong giúp bổ sung và hoàn thiện thêm cho phương pháp in dùng con lăn chịu ảnh hưởng từ Pháp hay phương pháp in bằng dầu đang được sử dụng tại Việt Nam.

 

Những tư liệu quý giá về tranh in mộc bản cổ Việt Nam thu được thông qua chuyến khảo sát lần này là những bản in mộc bản không thể thu thập được hoặc những mộc bản được áp dụng quy định nghiêm ngặt bởi Luật di sản văn hóa của mỗi quốc gia. Việc in ấn và trao đổi các tác phẩm tranh in mộc bản cổ mà mỗi quốc gia đang sở hữu được đánh giá là một sự kiện quan mở ra chương mới trong việc giao lưu di sản văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Ván khắc Quan Âm đồng tử đồ chùa Thiên Đức (Hội An) và bản in được thực hiện trong chuyến khảo sát

Trong số các bản tranh in quý giá mới được thu thập trong hoạt động giao lưu lần này có thể kể đến 42 trang Như Lai ứng hiện đồ tại chùa Linh Ứng được khắc ván năm Thành Thái thứ 17 (1905), 24 trang tương ứng với 12 ván khắc Quán Thế Âm Bồ tát Phổ môn phẩm – một bản khắc vô cùng ít gặp ngay ở cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang được lưu giữ tại chùa Chúc Thánh (Hội An), bản Kim Cương kinh biến tướng đồ được khắc năm Khang Hy thứ 31 đời nhà Thanh (1691) và được khắc lại 7 năm sau đó tại Việt Nam vào năm Chính Hòa thứ 19 đời Lê (1698), bản in A Di Đà lai nghinh đồ tại chùa Quang Lộc (Quảng Ngãi), bản in Quán Thế Âm Bồ tát đồ tại chùa Thiên Đức (Hội An), hơn 100 bản in Hộ thân phù Phật giáo cỡ lớn tại chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự) và bản in Bồ tát giới điệp tại chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Các bản in trên đều được tiến hành thu thập bởi phương pháp in ấn truyền thống sử dụng giấy Hanji của Hàn Quốc.

Ván khắc Như Lai ứng hiện đồ và bản in được thực hiện trong chuyến khảo sát
Ván khắc Quán Thế Âm Phổ môn phẩm tại chùa Chúc Thánh (Hội An) và bản in được thực hiện trong chuyến khảo sát

Đại sư Han Seon-hak – Giám đốc Bảo tàng Mộc bản tranh in cổ Hàn Quốc cho biết chuyến khảo sát tranh in mộc bản cổ Phật giáo Việt Nam lần này đã tiếp cận được với các ván khắc cổ vốn không thể tiếp cận được theo Luật di sản văn hóa của mỗi nước, tiến hành in ấn theo kĩ thuật truyền thống, góp phần thu thập và bảo tồn tranh in mộc bản cổ của hai nước, đồng thời thông qua hoạt động nghiên cứu và trưng bày, góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Chuyến khảo sát đã tạo nền tảng quan trọng để quảng bá tính ưu việt của giấy Hanji và phương pháp in ấn truyền thống của Hàn Quốc. Đây không phải là sự kiện chỉ được thực hiện trong một lần duy nhất mà sắp tới, đoàn công tác dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi khảo sát về khu vực miền Nam Việt Nam, thu thập những nét đẹp trong tranh in mộc bản cổ Việt Nam, giới thiệu tại triển lãm đặc biệt định kì tại Bảo tàng Mộc bản tranh in cổ Hàn Quốc vào mùa thu, qua đó tạo tiền đề để đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Biên dịch Trần Tùng Ngọc

doan-thi-thao1
Số 2: Hành trình lấy quốc tịch Hàn từ một người lao động
la-thu-phuong-xa1
Lá thư phương xa
DUCANH1
Số 1: Tiếng đàn tam thập lục vang lên trên đất khách
quang-ba-van-hoa-17
Quảng bá văn hóa Việt Nam giữa thủ đô Seoul
ap-u-sen-viet-1
Ấp ủ về chuyên mục 'Sen Việt xứ Hàn’
hai-nguyen-dieu-hanh-3
Chùa Hải Nguyện lần đầu tiên tham gia Lễ hội Nhiên Đăng tại Busan
kiep-hu-ao-va-cuoc-hon-thua
Bài 2: Kiếp hư ảo và cuộc hơn thua
bong-ca-doi-con
Bóng cả đời con
Các bài viết liên quan: