Lễ diễu hành lồng đèn mừng Phật Đản tại Seoul

11/04/2017 17:48
VNO - Màu lam áo tràng của Phật tử Việt Nam từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều người. Đó là một màu giản dị, không quá trầm tĩnh như sắc phục của quý thầy nhưng cũng không quá rực rỡ. Qua lời giảng của quý thầy, tôi biết màu áo đó tượng trưng cho tinh thần bình đẳng, hòa đồng, tính tấn và nhẫn nhục. Chẳng hiểu vì sao tôi luôn xem chiếc áo đó chỉ dành cho các Phật tử thuần thành, luôn sống theo lời Phật dạy.

Do đó, trong tâm trí nhiều sân hận của mình, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày được khoác màu áo ấy, ngay cả khi mình đã thọ Tam quy Ngũ giới và nhận “giấy chứng nhận Phật tử chính hiệu”.

Nhân duyên của lần đầu tiên đó đến thật bất ngờ. Sau bao ngày trông ngóng, tôi đã đến tham dự lễ an vị Phật tại Tịnh thất Viên Ngộ. Trước khi lễ diễn ra, chị Bình hỏi tôi có muốn mượn áo tràng không, tôi khựng lại mất mấy giây rồi cũng gật đầu. Sau đó, đích thân chị và một chị nữa (mà tôi mới gặp lần đầu) đã giúp tôi mặc áo tràng vào, vì trông tôi long ngóng quá. Có thể chị chỉ muốn “đẹp đội hình”, nhưng với tôi thời khắc đó thật sự khác lạ. Đâu rồi bộ quần áo mà tôi cứ chọn lựa mãi từ tối hôm trước?! Đâu rồi cái bụng to mà tôi cứ cố hóp vào để người đối diện không nhìn thấy?! Tất cả đều bị che phủ dưới lớp áo ấy. Tôi bắt đầu thấy mình giống mọi người đang hiện diện ở đó. Tôi bắt đầu để ý giữ vẻ trang nghiêm của mình. Tôi nâng niu vạt áo mỏng manh ấy mỗi khi cử động, để tránh ngồi hoặc quỳ lên chúng. Tôi cố đứng và quỳ thật thẳng trong suốt buổi lễ, dù chân rất tê và đầu gối đau nhói. Lần thứ hai tôi mặc màu áo lam mới thật sự đáng nhớ và tự hào. Đó là buổi diễu hành đèn lồng mừng Phật Đản ở Seoul cách đây mấy ngày. Đoàn Việt Nam được sắp xếp thật đẹp. Tôi và một vài bạn nam được giao nhiệm vụ cầm cờ Phật giáo ngũ sắc và cờ Tổ quốc đi phía trước. Quý thầy và các bạn nữ mặc áo dài, tay cầm đèn lồng có hình Đức Thế tôn đi phía sau. Chẳng cần có buổi tổng duyệt mà mọi người vẫn đi thật ngay hàng thẳng lối và hô khẩu hiệu thật vang, thật đều. Ở những đoạn dừng chờ tín hiệu giao thông ở giao lộ, thỉnh thoảng tôi lại quay xuống nhìn thầy tôi và các bạn tôi với niềm vui khôn tả. Để yểm trợ tinh thần cho đoàn Việt Nam, quan khách hai bên đường vẫy tay và liên tục hô vang “베트남 … 베트남 …”, rồi các bạn tôi đồng thanh đáp lại “Xin chào … Xin chào …”. Tôi bước đi trong những tiếng hô vang dội như thế với niềm hân hoan tràn ngập cõi lòng. Tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc cố giữ cho ngọn cờ trong tay mình thật thẳng, để khi cơn gió thổi qua, lá cờ ngũ sắc có thể thỏa sức tung bay. Có lẽ trong suốt cuộc đời mình, chưa bao giờ tôi lại thấy mình thăng hoa như lần ấy, chưa bao giờ tôi thấy mình tự hào là người con Phật, là người Việt Nam như lần ấy. Dù buổi diễu hành đã kết thúc nhưng không khí lễ hội vẫn còn được chúng tôi lưu giữ bằng những nụ cười và những câu chuyện rôm rả trong lúc tay đang thoăn thoắt tháo rời những chiếc đèn. Ngày hôm sau là triển lãm văn hóa Phật giáo quốc tế. Chúng tôi đến thật sớm, chẳng ai bảo ai, mỗi người một tay, mỗi người một việc, chẳng cần tập dợt mà vẫn nhịp nhàng. Người lo căng phông màn, người treo rèm cửa, người lắp ráp tòa cửu long, người cắm hoa, treo cờ … Tất cả cùng một tâm niệm là xây dựng “ngôi nhà” Phật giáo Việt Nam thật đẹp, thật đặc sắc tại buổi triển lãm. Tôi cũng lăng xăng việc nọ việc kia để cố tỏ ra mình có ích như một đứa trẻ trong lúc nhà có đám. Rồi mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ. Quầy của Việt Nam gây được ấn tượng lớn với những người tham quan. Không ít bạn Tây Phương cũng đến và tham gia nghi thức tắm Phật một cách thích thú nhưng không kém phần thành kính. Hầu như không ai trong số họ hiểu được ý nghĩa của nghi thức này. Trong lúc hướng dẫn họ cách thức thực hiện cũng như ý nghĩa của từng hành động, tôi cảm thấy có lúc giọng nói của mình lạc hẳn đi vì quá xúc động. Tôi nói với họ mà như nói với chính mình. Lúc đó, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: có thể nhiều đời nhiều kiếp trước, tôi cũng đã kết duyên với Tam Bảo bằng những hành động đơn giản như những người này đang làm. Tôi vốn là người cẩn trọng trong giao tiếp, nhất là với những người lạ. Nhưng cũng nhờ kết duyên với Tam Bảo mà tôi được gặp những người anh em chưa từng quen biết nhưng chỉ cần sau cái chắp tay hình búp sen chào nhau là nhanh chóng trở nên thân thiết. Chúng tôi giúp nhau hoàn thành công việc, chia sẻ với nhau từng nắm xôi, từng chai nước, thay nhau hướng dẫn khách tham quan rồi lại cùng nhau dọn dẹp tươm tất. Tuy mệt và nắng nóng nhưng lúc nào cũng vui đùa và nở nụ cười trên môi. Sau khi mọi việc đã hoàn mãn, chúng tôi còn nán lại để chia sẻ những mẩu chuyện vui, cùng “lên dây cót tinh thần” sau một mùa lễ hội thành công và hồi hướng công đức cho tất cả mọi người rồi mới bịn rịn chia tay ra về. Chính lúc này, tôi mới cảm nhận thật rõ, thật sắc nét tinh thần LỤC HÒA mà Ngài đã dạy cho hàng đệ tử khi sinh hoạt trong đại chúng. Có lẽ nghiệp căn của tôi quá sâu dày, trí tuệ thì cạn cợt nên nhiều thứ ngăn che không cho tôi nhìn thấy những điều Ngài dạy trong kinh điển. Tôi chỉ như trưởng lão Châu-lợi-bàn-đặc nhìn thấy chánh pháp trong các hành động, sự việc cụ thể. Tôi chợt nhận ra dù cho có hay không mặc chiếc áo lam truyền thống, nhưng kể từ khi chúng tôi - những người con Phật - quỳ giữa chính điện thành kính đọc to ba lời thệ nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là chúng tôi đã nguyện khoác trên mình CHIẾC ÁO LỤC HÒA – chiếc áo của sự chánh niệm. Và tôi tin chúng tôi đã mặc chiếc áo đó trong suốt những ngày qua, không lúc nào ngơi nghỉ, chắc chắn là như thế! Con xin thành kính cảm niệm công đức của quý thầy cô và bạn hữu đã cho con những giờ phút ấm áp tình pháp lữ! Phúc Trường

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

ngoai khoa 1

Tin: Phúc Trường

Ảnh: Phúc Quý



Các tin tức khác

Back to top