Triễn lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam 2016

19/04/2017 16:10
VNO - Ngày còn bé tôi được Mẹ kể rất nhiều lần về câu chuyện Bó Đũa và khi biết đọc chữ tôi cảm thấy rất sung sướng vì chính mình đọc được câu chuyện quen thuộc này. Mẹ dạy mấy chị em tôi phải biết yêu thương đoàn kết nhau như bó đũa chứ không được tách rời nhau. Qua câu chuyện của Mẹ, tôi cũng lơ mơ hiểu rằng Mẹ dạy chúng tôi đừng đánh nhau, đừng chia phe ra để tranh thắng bại giống như những trò chơi mà chúng tôi chơi hồi ấy. Giờ đây lớn lên sống xa nhà, xa Mẹ, xa quê hương, tôi mới hiểu thấm thiết hơn câu chuyện Bó Đũa mà Mẹ hay kể cho chúng tôi năm nào.

Nước Việt của chúng tôi nhỏ bé nhưng từ ngàn xưa đã giữ gìn được bờ cõi là nhờ có sự đoàn kết dân tộc. Bác Hồ từng nói: ‘ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT THÀNH CÔNG THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG’. Chung quy câu chuyện bó đũa hay câu nói của Bác Hồ lại là nếu ta sống tách biệt ra khỏi cộng đồng thì ta sẽ không thể tồn tại được. Và Đức Phật cũng dạy, vạn vật trong cuộc đời này không có gì tồn tại độc lập mà nó có sự tương tác, nương tựa lẫn nhau. Và ngày 7-8 tháng 5 năm 2016 vừa qua, những người con Việt chúng tôi đã thể hiện tinh thần ĐOÀN KẾT của câu chuyện BÓ ĐŨA này để xây dựng một hình ảnh đáng tự hào về nước Việt. Hòa cùng những sự kiện chào đón Đức Phật đản sinh, Tổng Tông Tào Khê (một tông phái lớn nhất trong Phật giáo Hàn Quốc) phối hợp với Trường Đại học Phật giáo Hàn Quốc-Đại học Dongguk cùng chính quyền thành phố Seoul tổ chức chương trình Liên Đăng hội (Lễ hội rước đèn hoa sen) và Triển Lãm văn hóa Phật giáo thế giới từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 5 năm 2016.

trien lam van hoa phat giao2

Quầy triễn lãm của đoàn Phật giáo Việt Nam

trien lam van hoa phat giao4

Chư Tôn đức cử hành lễ tắm Phật

Năm nay là năm đầu tiên, những người con Việt trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam và áo lam của Phật tử Việt Nam đã giương cao cờ đỏ sao vàng trong Lễ hội quan trọng này. Dẫn đầu đoàn diễu hành của Việt Nam trong Liên Đăng hội là các Tăng Ni trong màu áo giải thoát và theo sau là rất nhiều Phật tử và người Việt đang sinh sống tại thủ đô Seoul, các vùng lân cận và còn có cả các Phật tử từ Việt Nam sang để dự Liên Đăng Hội này. Nét tươi trẻ, hào hùng của Đoàn diễu hành trong trang phục truyền thống Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của báo giới và khán giả hai bên đường. Trong chương trình Triển lãm văn hóa Phật giáo thế giới, quầy Việt Nam được khai mạc với sự hiện diện của Tăng Ni, Phật tử hai nước Việt- Hàn xếp thành hình búp sen trước tượng Phật để thực hiện nghi thức khai mạc. Sau đó những hướng dẫn viên trong trang phục truyền thống đã đưa quan khách vào trong quầy để giới thiệu về những đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, những thánh tích trên bản đồ hình chữ S và những di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam bằng cả tiếng Việt, tiếng Hàn và tiếng Anh. Khi đến thăm quầy Việt Nam, quan khách được các bạn lễ tân trong trang phục truyền thống hướng dẫn cách tắm Phật, từ việc nghĩ 3 điều phát nguyện và nghi thức tắm Phật. Ba điều phát nguyện đó là: gáo thứ nhất nguyện cuốn trôi Tham chấp, gáo thứ hai, nguyện điều hòa Sân hận, gáo thứ ba, nguyện khai mở Trí tuệ. Về mặt hình thức là tắm Phật, nhưng về mặt tinh thần là người tắm Phật phải nguyện sẽ trở thành người bớt tham đấm, bớt sân hận và có trí tuệ. Đây là một điểm thú vị khi quan khách đến tắm Phật. Một số bạn trẻ phương Tây rất thích thú với việc mượn hình tướng tắm Phật để nhắc nhở bản thân mình. Có một số em nhỏ cứ chạy đi chạy lại nhiều lần để xin tắm Phật và nói những điều phát nguyện ấy. Lễ tắm Phật diễn ra tại quầy Việt Nam được quan khách đánh giá là đơn giản, thú vị và đầy ý nghĩa.

trien lam van hoa phat giao13

Sư bà trụ trì chùa Trường Vương tắm Phật

trien lam van hoa phat giao12

Quý thầy Hàn Quốc cũng đồng hành cùng Phật giáo Việt Nam

Đặc biệt các vị Tăng của Ban tổ chức đã quan tâm và dừng lại rất lâu ở quầy Việt Nam để tắm Phật, nghe giải thích về Phật giáo Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Chương trình đã khép lại trong niềm hân hoan của tất cả mọi người nhưng dư âm về lễ hội chắc chắn sẽ còn đọng mãi trong lòng những người con Việt. Chúng tôi không ai bảo ai, mỗi người một việc, mỗi người góp một tay để chuẩn bị cho buổi lễ. Các em nhỏ chạy lăng quăng quanh mẹ, các bạn nam lăng xăng khuân vác, các bạn nữ trang trí tòa Cửu Long tắm Phật, các Tăng Ni hướng dẫn để mọi người kết gắn cho phù hợp với văn hóa Phật giáo Việt Nam, các bạn hướng dẫn trong nụ cười tươi đưa khách đến quầy tham quan Việt Nam trên bản đồ hình chữ S, các nhiếp ảnh gia chạy tới chạy lui để ghi lại những hình ảnh đẹp, các bạn lễ tân trang nghiêm trong trang phục truyền thống để hướng dẫn khách vào tắm Phật, ban hậu cần thì lo chuẩn bị thức ăn thức uống cho mọi người, ban nghi lễ thì chuẩn bị pháp tòa để quý Tăng Ni của 2 nước Việt- Hàn thuyết pháp cho Phật tử nghe, đội múa thì phải cố gắng luyện tập để múa bài múa món truyền thống trên sân khấu của lễ hội...

trien lam van hoa phat giao9

Phật tử Hàn Quốc trải nghiệm tắm Phật trên tòa Cửu Long Phúng Thủy

trien lam van hoa phat giao 11

 

Những thánh tích Phật giáo Việt Nam trên hình chữ S

Tất cả đã hòa hợp thành một bản trường ca vẽ nên trang sử mới cho hình ảnh của cộng đồng người Việt ở xứ Hàn. Một cộng đồng hòa hợp vì cái chung, cái tinh thần của BÓ ĐŨA chứ không phải đề cao cái TA của cá nhân để tách nhau ra thành từng CHIẾC ĐŨA.

trien lam van hoa phat giao5

Sau lễ tắm Phật, chư Tôn đức đã chia sẻ pháp thoại cùng những Phật tử xa quê

Hy vọng rằng trong chương trình năm sau cùng với sự hòa hợp của cộng đồng sẽ mang đến cho quan khách những điểm thú vị về văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Ta đã về đây với đồng bào Góp tay chung sức để cùng nhau Vẽ nên nét đẹp linh hồn Việt Để lại mai sau con cháu nhìn.

Mùa Phật đản 2016 tại Seoul,

 

Tin: Ngọc Luyến

Ảnh: Phúc Quý



Các tin tức khác

Back to top