Thư thầy trò 1

30/06/2017 15:55
VNO - Quý anh chị em thương mến!

Thầy viết thư này để thăm hỏi quý anh chị em và chia sẻ đôi điều về việc tu tập.

Trong hai ngày thầy trò, huynh đệ từ nhiều vùng miền Hàn Quốc trở về ngồi lại bên nhau, khoảnh khắc ấy thật đẹp và thiêng liêng!

Sau đây là một nét chủ đạo trong bức tranh yên bình ấy. Quý anh chị em còn nhớ giây phút mình cùng niệm Phật từ trên núi xuống chứ? Vài điều sau mà có lẽ quý anh chị em cũng nhận, nghiệm ra:

 

1. SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN THỂ, CỦA TÂM THỨC

Cả rừng thông hùng vĩ của tùng lâm Kim Sơn âm vang lên tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật”. Khi nhiều người phát cùng âm thanh với niệm chí thành và sự tập trung cao độ sẽ tạo ra một luồng từ trường rất lớn. Cái đó có thể gọi là hào quang, nguồn ánh sáng yên lành được tạo ra từ những con người an lành. Anh chị em nào đi trong không gian ấy, thời khắc ấy sẽ cảm nhận được điều đó. Sức mạnh của tâm là vô nghĩ bàn! Khi những tâm niệm lành cùng quy hướng và đồng tâm hành động thì tạo ra nhiều điều vô nghĩ bàn. Mà nhân duyên của buổi niệm Phật hôm ấy cũng thật hi hữu theo lời Sư cô kể lại. Câu chuyện về hai cây thông cũng biết thương nhau, nương tựa vào nhau để tồn tại. Nhưng qua cơn bão, một cây đã gãy, mọi người gần đó đã nâng đỡ, băng bó lại để hai cây tiếp tục nương tựa vào nhau. Nghĩ thế, Sư cô khởi tâm mời đại chúng niệm Phật để gởi những năng lượng lành cho bao sự sống quanh ta và từ đó mình lại nhận diện được thêm nhiều điều thú vị từ đời sống đoàn thể. Thật thú vị phải không anh chị em!

Ta sống với đoàn thể, với năng lượng chung sẽ giúp mình đỡ trượt ngã vào vực sâu của cuộc sống, bớt lạc vào những ngã rẽ tối tăm không có lối thoát trên đường đời!

Sức mạnh đoàn thể là thế!

thu thay tro1.1

Đại chúng được nghe vị phụ trách templestay kể về câu chuyện 'Hai cây thông'

 

2. CƠ CHẾ TỰ ĐIỀU CHỈNH

Khi Sư cô khởi niệm, chúng ta bắt đầu hướng theo và nhanh chóng đồng niệm với nhau. Khi đi một đoạn đường, sự đồng đều về thanh âm, nhịp điệu bắt đầu giảm. Người trước, người giữa, người sau không còn sự “ăn khớp” ban đầu. Điều đó không kéo dài mà cũng nhanh chóng đồng niệm lại! Quý anh chị em biết nhờ điều gì không? Đó là CƠ CHẾ TỰ ĐIỀU CHỈNH trong Phật pháp. Khi ta bắt đầu “thấm tương chao” rồi thì dần biết điều chỉnh, tùy thuận với hoàn cảnh.

Có chánh niệm ta mới NGHE rồi NHẬN BIẾT rồi CHẤP NHẬN mình đang không đồng niệm với đại chúng. Khi đó với tâm TÙY THUẬN, ý niệm SỐNG HÒA HỢP sẽ tự khắc giúp mình điều chỉnh lại thanh âm, điệu niệm và ta lại được trở về với “dòng sông” đại chúng chứ không là “giọt nước” cá nhân. Quá trình này nhìn vậy chứ rất không đơn giản đâu! Khi bắt đầu biết chút kiến thức, kinh nghiệm gì đó trong việc tu tập, ta dần khép lại cái THẤY THUẦN KHIẾT mà toàn áp đặt kiến thức, kinh nghiệm trước đó lên CÁI ĐANG LÀ. Khi thế là sống không hợp với PHÁP rồi. Tu học là tập CƠ CHẾ TỰ ĐIỀU CHỈNH vậy!

Quý anh chị em chịu khó ngồi xuống, quán sát xem mình cần điều chỉnh gì để sống hòa hợp với đoàn thể rồi TỰ ĐIỀU CHỈNH!

thu thay tro1.3

 

3. THẤU BIẾT ĐÂU LÀ CỨU CÁNH, ĐÂU LÀ PHƯƠNG TIỆN

Bình thường, chúng ta thường đi kinh hành niệm Phật theo nhịp mõ tiếng khánh đúng không ạ! Vậy, tại sao buổi hôm đó mình lại không dùng đến pháp khí này nhỉ! Có anh chị em nào khởi lên ý niệm ấy không? Rồi sau khi buổi đó kết thúc, có phải ta nhận ra được câu trả lời đúng không nào! Đơn giản là chúng ta không có mang theo! :)

Tiếng khánh nhịp mõ là phương tiện để đại chúng đồng niệm, nhiếp niệm. Khi đã đồng niệm, nhiếp niệm rồi thì có khánh, mõ hay không thì cũng không ảnh hưởng gì! Cho nên, cốt yếu là QUA BỜ BÊN KIA còn dùng PHƯƠNG TIỆN gì để qua thì tùy căn cơ, nhân duyên mỗi người!

Ấy vậy mà tối ngày chúng ta cứ ôm chặt vào những cái PHƯƠNG TIỆN rồi tranh cãi, hờn giận, chia rẽ nhau!

Thôi, thư cũng đã dài, hồi sau thầy sẽ viết tiếp! Mong đại chúng thường nhớ và hành 3 điều trên.

Nguyện chúc quý anh chị em sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh!

 

Tịnh thất Viên Ngộ, ngày 30.06.2017

Với tình thương,

Thầy



Các tin tức khác

Back to top