Du lịch thiền tịnh

15/09/2017 18:15
VNO - Gần đây, du khách đến Hàn Quốc thường có xu hướng tham gia những chuyến du lịch Thiền tịnh (hay templestay). Đó là những chuyến đi cuối tuần trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc ở những ngôi chùa tọa lạc trên những ngọn núi cao, cảnh sắc đẹp đến nao lòng.

Điều thú vị là chương trình templestay ở Hàn Quốc được khởi xướng từ một nguyên nhân rất thực tế, đó là việc thiếu chỗ lưu trú cho du khách trong mùa giải World Cup 2002 diễn ra tại Hàn Quốc và Nhật. Từ đó đến nay, chương trình ngày càng được nhân rộng ở các chùa thuộc tông phái Jogye (Tào Khê) với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc (từ năm 2004, chính phủ đã dành khoảng 99 triệu USD để phát triển chương trình này) và trở thành một kênh quảng bá văn hóa truyền thống đặc biệt của Hàn Quốc.

Đa số các ngôi chùa của xứ Hàn đều nằm trên những ngọn núi cao nên sở hữu một khung cảnh thiên nhiên trữ tình, thơ mộng, không khí trong lành, cảnh quan tịch lặng, con người và thiên nhiên chan hòa trong từng bước đi, từng ánh nhìn, từng hơi thở. Vì vậy, được tham dự chương trình templestay để có dịp “gột rửa” thân tâm và tận hưởng niềm an lạc là một duyên may đối với những người con Phật…

Buổi sáng, đoàn chúng tôi hăm hở đến chùa Bongseonsa ở Namyangju. Ở đó, sau khi được Sư cô - hướng dẫn viên, giới thiệu từng vị trí, từng cảnh quan, giải thích ý nghĩa từng “bảo vật” trong chùa, chúng tôi được hướng dẫn thiền hành trong khu rừng 600 năm tuổi mà thường ngày không phải ai cũng được bước chân vào. Chúng tôi đi trong bóng mát của cây rừng, trong sự thanh tịnh đến ngỡ ngàng, thỉnh thoảng dừng lại nghe Sư cô giải thích đôi điều hay kể những mẩu chuyện nhỏ đậm chất triết lý, chúng tôi có cảm giác như đang khám phá dần những “bí mật” còn đang giấu kín của khu rừng. Càng lên cao, bước chân mỗi người càng nặng dần nhưng dọc ngang trên con đường mòn ấy, vô vàn những rễ cây đâm ra như nâng đỡ bước chân người. Dù rất tập trung nhưng không ai có thể lơ đãng, vô tình với cảnh sắc như mộng như mơ, như thơ như nhạc, có đủ cung bậc của cảnh sắc và âm thanh giữa chốn sơn lâm này…

Rời Bongseonsa, sau buổi trà đạo ấm cúng với Sư cô tại chùa, chúng tôi tiếp tục hành trình hơn 3 tiếng đồng hồ để đến Baekdamsa ở Gangwon. Ngôi chùa nằm sâu trong núi, chỉ có thể lên được bằng loại xe đặc chủng. Con đường gập ghềnh khúc khuỷu làm chúng tôi lắc lư, rồi chao qua chao lại, có lúc tim như muốn nhảy ra ngoài nhưng xe càng lên cao mọi người càng cảm thấy thú vị và hào hứng, nhất là khi nghĩ đến nơi mình sắp được chiêm ngưỡng chẳng khác gì chốn tiên cảnh như đã được giới thiệu.

du lich thien tinh1

Đúng là “danh bất hư truyền”, sau khi vượt qua con đường núi gập ghềnh khúc khuỷu, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Trước mắt chúng tôi là một khung cảnh thiên nhiên mơ màng, huyền ảo với những mái chùa cong cong trầm mặc trong ánh hoàng hôn. 

Chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua dòng suối dẫn chúng tôi vào chùa. Hầu như trước các ngôi chùa nào ở Hàn Quốc cũng đều có một cây cầu nhỏ để khi đến thăm, khách bỏ lại tất cả những phiền não để thân tâm được thanh tịnh, nhẹ nhàng khi vào lễ Phật. Con suối trước chùa Bách Đàm này đẹp đến nao lòng bởi có chỗ tĩnh lặng, dịu dàng, có nơi róc rách, có đoạn nước quẫy lên trắng xóa cùng với đó là một bãi đá mênh mông, nhấp nhô những tháp đá cao thấp, lớn nhỏ, muôn hình vạn trạng. Người ta gọi đó là “bãi đá ước nguyện”. Nhìn bãi đá với vô vàn tháp đá lớn nhỏ được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của con người, chúng ta đủ biết đã có bao nhiêu du khách từng đặt chân đến nơi này. Họ xây tháp đá để gửi gắm những lời ước nguyện. Không biết họ đã ước nguyện điều chi mà để lại nơi đây vô vàn những tuyệt tác như thế. Nhưng tôi biết, mỗi tháp đá là nơi ghi dấu bước chân của khách lãng du, là biểu tượng của tình yêu đối với khung cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng và đậm chất tâm linh của ngôi Bách Đàm tự cổ kính này - nơi đã đón nhận bao nhà sư, học giả danh tiếng vân tập về để trau dồi thiền học.

du lich thien tinh3

Ở đây, chúng tôi thiền hành trong khu rừng bên kia dòng suối. Giây phút mọi người ngả lưng, buông thư giữa rừng là giây phút tuyệt với nhất đối với tôi. Ngửa mặt lên nhìn bầu trời xanh lồng lộng, chúng tôi quán hơi thở của mình, tâm không lay động bởi những tạp niệm, những sầu não buồn phiền bởi tất cả đã được bỏ lại phía sau khi đặt chân đến chốn này. Nhưng trong giây phút rỗng rang thanh tịnh đó, tôi vẫn nghe được tiếng lao xao của cây lá, tiếng róc rách, thì thầm của dòng suối trong veo…

Trở về với cõi thực, chúng tôi được hướng dẫn Thiền trà - một trong những tiết mục thú vị của chương trình Templestay ở Baekdamsa. Tôi từng biết đến Thiền trà qua sự hướng dẫn rất tỉ mỉ của Sư ông Làng Mai và thỉnh thoảng cũng được thưởng thức hương vị trà đạo, thưởng thức thơ nhạc cùng với các Sư cô trong vườn lan thanh tịnh ở chùa Từ Nguyên. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được Thiền trà trong không khí tĩnh lặng, ấm áp cùng với các Sư cô và các anh chị em trong gia đình Viên ngộ, tại Hàn Quốc. 

Ở Bongseonsa, ta được người mời thưởng trà rồi cùng nhau đàm đạo. Ở Baekdamsa, ta vừa là “trà khách” vừa là “trà giả” (người pha trà), nghĩa là ta tự mời ta, tự thực tập chánh niệm trong khi pha trà, thiền tập trong khi uống trà. Tất cả mọi động tác khi pha trà và thưởng trà đều khoan thai, cẩn trọng và đi liền với chánh niệm. 
Trong cái tĩnh lặng của đêm thu, chỉ có tiếng suối róc rách bên ngoài và âm thanh của tiếng nước trà rót vào tách, mỗi người tịnh tâm, lắng nghe hơi thở của chính mình trong hương thơm dịu nhẹ mà ý vị đậm đà của những chung trà. Theo lời giới thiệu của Sư cô, những lá trà xanh cuộn lại, bé xíu, thơm mát trong buổi Thiền trà hôm nay là loại trà hảo hạng được hái từ vùng Nam Hải, vừa hấp thụ tinh khí của đất trời vừa đượm nồng hương vị từ gió biển... Hèn gì, vị thơm của trà rất đặc biệt, nhấp một ngụm trà, hương vị thấm vào đầu lưỡi rồi như lan tỏa đến mọi giác quan. Trong phút giây ấy, bất giác tôi nhớ đến bài “Kệ uống trà” của Sư ông Làng Mai:

“Chén trà trong hai tay

Chánh niệm nâng tròn đầy

Thân và tâm an trú

Bây giờ và ở đây”

Trong phút giây thanh tịnh, hai tay nâng chén trà thơm dâng lên chính mình để cảm nhận được thân và tâm đều đang hiện hữu, để quên đi mọi vướng mắc ở quá khứ, quên đi những lo toan mỏi mệt, những ưu phiền của cuộc sống thường nhật, tự dưng tôi nhận ra lâu nay ta đã quá bạc đãi với thân tâm của chính mình... Và có lẽ trong số những người đang có mặt trong buổi Thiền trà hôm nay, không ít người cũng từng bạc đãi với thân tâm mình như thế. Tự nhiên tôi tự nhủ với lòng mình: Phải biết học cách trân trọng và yêu quý thân tâm mình trong từng giây phút như thế này thôi. 

du lich thien tinh2

Là nghĩ thế, là khát khao, mong muốn như thế nhưng e rằng, khi bước ra khỏi Thiền đường, tất cả sẽ bị “gió cuốn đi”...

Thực sự mỗi lần đến thăm chùa hay tham gia templestay ở những ngôi chùa Hàn Quốc, tôi như gọt bớt đi được những muộn phiền từ bao lâu nay vẫn đè nặng trong lòng. Nhưng để bước ra khỏi quá khứ dài mà sống thanh thản với từng phút giây trong hiện tại, tôi vẫn thấy mình còn chưa đủ nhân duyên. Những lúc tạm rời bỏ được quá khứ u buồn hay thoát ly được hiện tại nhọc nhằn, tôi cứ văng vẳng trong tâm lời chú trong “Bát Nhã tâm kinh”:“Yết đế.  Yết đế.  Ba la yết đế.  Ba la tăng yết đế.  Bồ đề tát bà ha”. Đó là lời thôi thúc chúng sinh nhưng đôi lúc tôi có cảm giác đó cũng là lời thúc giục dành cho chính mình: “Qua đi.  Qua đi.  Tất cả qua bờ bên kia.  Tất cả tích cực qua bờ bên kia.  Sự giác ngộ được viên thành nhanh chóng”. Vậy mà cuối cùng, cái “bờ bên kia” đó vẫn còn xa thật xa.

Ngày mai rồi sẽ đến, tất cả rồi sẽ trôi vào dĩ vãng nhưng có lẽ những kỷ niệm sáng trong, đẹp đẽ, những hình ảnh thân thương của gia đình Viên Ngộ và những triết lý nhân sinh mà tôi học được ở những chuyến du lịch Thiền tịnh sẽ còn mãi trong tôi. Và tận sâu trong lòng mình, tôi vẫn không thôi hy vọng vào một ngày tảng đá trong tâm sẽ được bỏ lại bên đường để thong dong mà bước sang “bờ bên kia”, dẫu biết rằng cái bờ ấy còn xa, rất xa…

Korea, 14.09.2017

Mai Trần



Các tin tức khác

Back to top