Khi tri thức tìm về với tuệ giác

11/04/2017 15:39
Thành phố Daejeon - chiếc nôi đào tạo của nền giáo dục Hàn Quốc - rất nhiều du học sinh các nơi trên thế giới cũng như hầu hết du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc đều tập trung về đây. Nó như một thung lũng, tiếp nhận các dòng tri thức đổ về. Tại đây, chúng ta sẽ bắt gặp một đạo tràng tu tập của nhóm trẻ Việt Nam. Thú vị là hầu hết các bạn là tri thức trẻ các nghiên cứu sinh, thức tập sinh, rất nhiều bạn đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, hậu tiến sĩ, nhưng các bạn đều đến với Đạo Phật bằng một sự tôn kính và có cái nhìn khá nghiêm túc khi tiếp xúc với Đạo. Nếu để tâm vun bồi, chăm sóc có thể nói đây là "nguyên khí quốc gia", những hạt giống chắc trong vườn ươm Đạo Phật. BBT xin kính mời Người đọc lắng nghe tâm sự của một số các bạn đang du học tại Daejeon - HQ do nhóm CTV Web. TVKA thực hiện.

hq4

Các anh chị vui lòng cho biết sơ lược những ngày tháng học tập ở quê nhà và sau đó sang Hàn Quốc du học? Những thuận lợi, khó khăn?

Hoàng Lam (HL) và Nguyễn Phượng (NP): Bọn con cùng học chung ngành Vật liệu 5 năm tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp thì bọn con tìm học bổng để du học và quyết định học tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Về thuận lợi là các chương trình học trong trường đa số được giảng dạy bằng tiếng Anh nên việc nắm bắt kiến thức không quá khó khăn. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm khá thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ khi mình yêu cầu. Khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ, đây chính là rào cản lớn trong việc hòa nhập với môi trường sống mới. Bên cạnh đó, bọn con cũng khá nhớ nhà!
Đoan Trang (ĐT): Sau khi tốt nghiệp đại học, con làm việc ở Viện Đo lường Việt Nam vài năm. Sau đó, con tìm học bổng sang Hàn Quốc học thạc sĩ và tiến sĩ. Thời gian đầu, con gặp chút khó khăn về mặt chuyên môn vì chưa quen với việc làm nghiên cứu chuyên sâu, nhưng theo thời gian mọi việc cũng ổn với sự động viên và giúp đỡ rất nhiều từ giáo sư hướng dẫn.
Thanh Thủy (TT): Con thuộc biên chế của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tại Hà Nội. Trong ngành này, có rất nhiều thứ mới chưa được Việt Nam áp dụng nên khi sang Hàn Quốc con gần như là một con số 0. Thời gian đầu, con gặp nhiều áp lực về chuyên môn và gia đình vì có con nhỏ còn ở quê nhà. Nhưng bây giờ mọi thứ đã dần ổn định vì mục tiêu ban đầu của con là đi học để tiếp thu kiến thức mới nên các khó khăn sẽ làm cho mình trưởng thành lên từng ngày.
Mạnh Tùng (MT): Trước khi sang Hàn, con có thời gian làm việc ở Trung tâm chiếu xạ thuộc Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam. Không thỏa mãn với công việc và kiến thức của mình tại thời điểm đó, con quyết định tìm học bổng sang Hàn Quốc du học. Lúc đầu, con gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, cả tiếng Anh và tiếng Hàn. Nhưng sau một thời gian tập trung cố gắng, hiện giờ con đã có thể hòa nhập tốt trong môi trường học tập và nghiên cứu ở đây. Một trong những điểm thuận lợi là con được sống trong một cộng đồng sinh Việt Nam hòa đồng, vui vẻ và tương trợ lẫn nhau.
Thanh Bình (TB): Sau khi tốt nghiệp đại học, con làm việc tại một trường đại học tại Hà Nội và tìm kiếm học bổng du học. Thời gian đầu ở Hàn Quốc, con gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ và chuyên môn vì ở bậc đại học, con không được học các kỹ năng thực hành thí nghiệm. Một khó khăn nữa là thức ăn Hàn quá cay và khó ăn.
Bích Hà (BH): Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Hà Nội, con đi dạy vài năm ở một trường Trung học phổ thông. Không bằng lòng với những kiến thức đang có, con quyết định lên đường đi du học. Do không được đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu, nên con cũng thiếu nhiều kỹ năng thực hành thí nghiệm khi tham gia vào công việc nghiên cứu một cách chuyên nghiệp. Nhưng may mắn là giáo sư của con khá kỹ tính nên đã giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Một khó khăn nữa là áp lực công việc trong phòng thí nghiệm rất lớn, nên thỉnh thoảng con cũng cảm thấy mệt mỏi.
Minh Thu (MTh): Ngay sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, con quyết định sang Hàn du học. Do đã có học tiếng Hàn ở Việt Nam, nên con hòa nhập khá nhanh vào môi trường mới. Khó khăn duy nhất là con phải làm nghiên cứu độc lập trong một lĩnh vực cũng còn khá mới với chính giáo sư hướng dẫn.
Nguyên Thạch (NT): Cũng tương tự như trường hợp của bạn BH. Con đã tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Tp. HCM và đi dạy tại một trường THPT. Sau đó, con tìm được học bổng sang Hàn học thạc sĩ và tiến sĩ. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, hiện nay con đang làm việc tại Viên Tiêu chuẩn Hàn Quốc. Do nền giáo dục của Việt Nam quá khác biệt và ít cập nhật so với thế giới, nên thời gian đầu con gặp khá nhiều khó khăn khi tham gia vào công việc nghiên cứu một cách độc lập. Tuy nhiên, một điểm thuận lợi được xem là đặc điểm chung của sinh viên Việt Nam du học nước ngoài là tinh thần quyết tâm rất cao, nên những khó khăn ban đầu dần dần cũng bị chinh phục.
Phương Thảo (PT): Theo con thì Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa và nề nếp sinh hoạt, nên tạo cảm giác gần gũi cho những du học sinh như chúng con. Người Hàn Quốc cũng có nhiều người tốt và nhiệt tình giúp đỡ người nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng có các chương trình hỗ trợ người nước ngoài hòa nhập tốt vào đời sống bản địa.

hq3

Cơ duyên nào đã đưa anh/chị đến với Đạo Phật?

NT: Ngay từ nhỏ con đã có một cảm tình đặc biệt với Đạo Phật nhưng con không lý giải được nguyên nhân. Lúc còn ở Việt Nam, thỉnh thoảng con cũng đi chùa lễ Phật vào các ngày lễ lớn như một thói quen, chứ không hiểu gì về Đạo Phật cả. Từ khi sang Hàn Quốc, con có nhiều thời gian và cơ hội tìm hiểu Đạo Phật thông qua các trang tuyên truyền Phật pháp và các video thuyết giảng của quý thầy. Kể từ đó, con hiểu hơn về các lời dạy của Đức Phật và thêm yêu quý Đạo Phật. Nhưng phải đến đầu tháng 4 vừa rồi, con mới tình cờ gặp thầy Thích Tường Thanh (Giáo thọ sư ĐT. Viên Ngộ) và mời thầy đến thành phố Daejeon để kết duyên với các Phật tử ở đây. Tính đến thời điểm này, đạo tràng Viên Ngộ Daejeon của chúng con đã tổ chức được 4 buổi sinh hoạt, kể cả khóa tu học mùa thu do Thượng tọa Thích Trí Chơn làm giáo thọ.
HL: Lúc nhỏ thỉnh thoảng cũng theo mẹ lên chùa, nhưng lúc đó con chỉ biết học và chẳng có niềm tin vào tôn giáo nào cả, chỉ tin vào những lời chỉ dạy của người lớn trong nhà. Thời gian đầu ở bên Hàn, con có theo bạn bè đến sinh hoạt ở một hội thánh Tin Lành với mục đích giao lưu kết bạn. Nhưng những lý thuyết được giảng dạy ở đó không làm con thỏa mãn, nên con không đi nữa. Gần đây, khi sinh hoạt trong Đạo tràng Viên Ngộ, con có dịp hiểu hơn về Phật pháp cả thấy những điều đó thật gần gũi và thiết thực cho cuộc sống của con.
NP: Nhà con ở gần chùa Thầy và chùa Tây Phương (Hà Tây củ) nên lúc bé con cũng theo mẹ và bà lên chùa vào các ngày sóc, ngày vọng. Con cũng không lý giải được tại sao, nhưng mỗi khi bước chân vào không gian của chùa, con thấy tâm mình thật tĩnh lặng, thật thoải mái. Và những người mà con quen biết khi đến chùa họ cũng hiền lành hơn, thân thiện hơn, con được nhìn thấy một mặt khác tốt đẹp hơn của con người. Khi tiếp xúc với thầy Thích Tường Thanh, con rất ngưỡng mộ sự hiểu biết của thầy và học được rất nhiều điều bổ ích về Phật pháp từ thầy.
TT: Con bắt đầu tiếp xúc với chùa chiền và Đạo Phật từ khi mẹ con ốm nặng, như kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”. Sau ngày mẹ mất, con mới bắt đầu đi chùa như một cách tiếp nối công việc mà mẹ con làm lúc còn sinh tiền. Dần dần, con cảm nhận và yêu thích không gian thanh tịnh ở chùa, và tìm đến chùa để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, chứ không có cơ hội tìm hiểu nhiều về Phật pháp.
MT: Lúc bé con rất thích lên chùa để tận hưởng không gian thanh tịnh, nhưng không thích văn hóa cúng bái của đền chùa Việt Nam lắm. Nên thỉnh thoảng con cũng chỉ lên chùa lễ Phật xong rồi về, chứ không sinh hoạt trong hội nhóm Phật giáo. Dạo gần đây, khi cùng các anh chị em sinh hoạt trong Đạo tràng Viên Ngộ Daejeon, con dần dần hiểu hơn về những lời Phật dạy.
ĐT, BH, TB, MTh và PT: Bọn con cũng như mọi người là lúc bé thường theo mẹ hoặc bà lên chùa vào các dịp lễ như một tín ngưỡng dân gian, chứ cũng không hiểu gì mấy. Điều đó diễn ra hết sức tự nhiên và ghi dấu trong ký ức tuổi thơ. Đi chùa không hẳn là một nghi thức tôn giáo, mà như một sinh hoạt văn hóa của gia đình. Khái niệm về chùa, Phật … không thực sự được định nghĩa rõ ràng. Sau này lớn hơn, bọn con mới có cơ hội học hỏi thêm về Phật pháp và gắn bó hơn với các sinh hoạt của đạo tràng Viên Ngộ Daejeon.

hq5

Là các nghiên cứu sinh về các chuyên ngành khoa học tự nhiên, anh/chị cảm nhận thế nào về lời Phật dạy với công việc của mình cũng như những giá trị đạo đức tâm linh đưa vào cuộc sống?

NT: Con còn nhớ lời nhà bác học lừng danh Albert Einstein từng nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. Là một người đang đi trên con đường nghiên cứu khoa học cơ bản, con hoàn toàn đồng ý với lời nhận định trên. Trong suốt 45 hoằng pháp lợi sinh của mình, Đức Phật đã xây dựng nên một triết lý mang tính biện chứng và logic rất cao. Điều đó được tạo nên từ một trí tuệ vượt trội có khả năng quán chiếu sự vận động của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên cũng như tâm thức của con người, và mối quan hệ hỗ tương giữa chúng.
HL và NP: Theo bọn con, Đức Phật như một người thầy siêu việt. Khi thuyết giảng về một vấn đề gì, Ngài thường đưa ra các ví dụ dẫn chứng cụ thể hoặc các câu chuyện ngụ ngôn để giúp mọi người hiểu hơn về giáo lý của Ngài. Ngoài ra, Đức Phật rất tôn trọng sự tự do và dân chủ, Ngài không bắt ai phải tin theo mình một cách mù quáng, Ngài đề cao sự quán chiếu và chứng nghiệm của từng cá nhân, như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Trong suốt cuộc đời của Ngài, Ngài chỉ đóng vai trò là người thầy chỉ vẽ cho chúng sinh đường ngay nẻo chánh để đi đến sự tỉnh giác và an vui, còn việc có theo hay không là quyền quyết định của mỗi cá nhân. Trước đây, con từng nghĩ Đạo Phật chỉ dành cho những người chán đời, yếm thế như cô Lan trong truyện Lan và Điệp (cười lớn), nhưng sau này tìm hiểu kỹ hơn con mới hiểu Đức Phật dạy con người cách thức nhận diện khổ đau để chuyển hóa chúng chứ không phải để than thở và buông xuôi.
ĐT: Điều con học được từ giáo lý của Đức Phật chính là luật nhân quả. Nếu mình làm một việc tốt, thì ngay chính hành động đó đã gieo một nhân tốt, một thiện nghiệp thì quả tốt chỉ là chuyện sớm muộn. Điều này hoàn toàn tự nhiên và công bằng tuyệt đối. Sẽ không có một đấng toàn năng nào ban cho chúng ta điều gì cả. Chính chúng ta sẽ là người quyết định cuộc đời của mình. Chính vì vậy cứ cố gắng, cứ nỗ lực hết mình thì chúng ta sẽ có được những thành quả tốt đẹp. Đôi lúc, trong công việc con cũng thấy bế tắc và áp lực, nhưng Đức Phật từng dạy “vạn pháp tùy duyên”, nên con nghĩ quả tốt chưa đến có nghĩa là duyên tốt chưa đủ, vì vậy cần phải nỗ lực hơn nữa.
BH: Con hoàn toàn đồng ý với chị ĐT về luật nhân quả. Những thành quả dù lớn hay nhỏ do mình đạt được đều là một quá trình cố gắng của bản thân. Không ai có thể ban cho mình những thứ đó cả. Ngoài ra, theo con nghĩ, những anh em ở đây đã trải qua khá nhiều chuyện trong cuộc sống, có một trải nghiệm nhất định, đến một giai đoạn nào đó người ta cần nhìn lại chặng đường đã qua. Đạo Phật giúp con có một cái nhìn khách quan về tất cả mọi việc, cái gì đúng, cái gì chưa đúng, và giúp con soi rọi lại chính nội tâm của mình để chăm sóc nó một cách tốt hơn. Dạo gần đây, mỗi khi gặp ức chế trong công việc và cuộc sống, cứ nghĩ đến những lời dạy của Đức Phật, hoặc nghĩ đến việc được sinh hoạt với các anh em trong đạo tràng, tự dưng trong lòng con thoải mái thanh thản hơn. Hoặc đơn giản chỉ là ngồi thiền hằng ngày thôi chẳng hạn, điều đó cũng rất tốt cho tâm lý của mình.
TT và PT: Đức Phật và chư tổ có nhiều lời dạy hay, nhưng bản thân bọn con cũng chưa tìm hiểu hoặc đọc một cách đầy đủ. Bọn con tiếp cận với giáo lý Phật giáo thường là tình cờ, thông qua một số bài viết trích dẫn của các thầy, bọn con suy ngẫm và thấy đúng với những gì mình đang băn khoăn tìm câu trả lời. Dần dần bọn con cảm thấy Đức Phật đã giới thiệu một thế giới quan khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa tất cả mọi việc. Do đó, bọn con học cách phân loại các dạng cảm thọ của tâm thức mình để rồi học cách buông bỏ những thứ không có ích cho thân tâm của mình. Và kết quả là con dần dần có được một cuộc sống nhẹ nhàng, an vui mà con hằng mong ước.
TB: Con không có dịp đọc tụng nhiều kinh điển của Đạo Phật, nhưng con nhớ trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu: “thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”. Là một người được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành Vật lý, con nhận thấy những lời dạy cách đây 2600 năm này hoàn toàn tương đồng với các định luật bảo toàn trong vật lý (khối lượng, vật chất, năng lượng …), điều mà các nhà khoa học chỉ chứng minh được cách đây 100 năm. Về phương diện đời sống, lời dạy này cũng hoàn toàn đúng, nếu với cái nhìn khoa học, ta sẽ thấy mọi vật mọi việc không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Theo con, bài học này có tính răn đe rất lớn, vì nghiệp do mình tạo ra dù ác hay thiện cũng không bao giờ mất đi, khi nào đầy đủ nhân duyên, nó sẽ quay trở lại.
MT và MTh: Con tiếp xúc với Phật pháp rất ít nên điều đọng lại trong đầu con chỉ đơn giản là khi mình làm việc tốt thì sẽ có quả tốt, nếu mình cư xử tốt với mọi người thì mọi người sẽ cư xử tốt với mình. Điều đó giúp con cải thiện mối quan hệ với mọi người và tiếp cận người khác một cách dễ dàng hơn.

hq2

Phương pháp nào đưa đạo vào đời sống giới trẻ nhằm xây dựng những giá trị đạo đức tâm linh, góp phần ổn định đời sống xã hội?

NT: Ở bất kỳ thời đại nào, giới trẻ luôn là người giữ lửa trong xã hội, nên việc chăm lo cho giới trẻ là một việc rất cần thiết. Theo con nghĩ, để tiếp cận được giới trẻ, chúng ta cần giản lược bớt các nghi lễ rườm rà không cần thiết và tích cực thuyết giảng lời Phật dạy. Vì giới trẻ hiện nay rất tiến bộ, họ có tư tưởng độc lập và tính phản biện rất cao. Họ sẽ không sẵn lòng làm những gì họ không tin và không hiểu. Chính vì vậy việc mang lời Phật dạy đến với họ là điều cần phải quan tâm hàng đầu. Việc đó có thể được thực hiện thông qua các buổi thuyết giảng mang chủ đề hiện đại, hoặc lồng ghép các giá trị tâm linh vào các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, vừa phát huy được sức trẻ của họ, vừa có tính giáo dục cao. 
ĐT: Con cũng đồng ý với bạn NT. Đa số giới trẻ Việt Nam đi chùa lễ Phật như một truyền thống của gia đình, ông bà cha mẹ làm thế nào thì họ làm theo như thế, chứ không có nhiều cơ hội tiếp cận các lời dạy của Đức Phật, nói gì đến việc áp dụng vào đời sống của họ. Do đó, cần phải có nhiều hoạt động giảng dạy giáo lý cho giới trẻ từ những điều cơ bản nhất như lược sử cuộc đời của Đức Phật bằng các hình thức hiện đại hấp dẫn như chiếu phim, hoặc các bài kinh về cuộc sống và đạo đức dành cho Phật tử tại gia. Một khi họ hiểu thì họ sẽ tin và làm theo.
NP: Con đặc biệt rất ấn tượng với các hoạt động thiết thực trong buổi lễ Vu Lan được Tổng Đạo tràng Viên Ngộ tổ chức tại thành phố Jeonju. Trong khóa lễ đó, có hoạt động bông hồng cài áo và viết thư cho đấng sinh thành. Trước đây, con chẳng bao giờ viết thư hoặc bày tỏ tình cảm với bố mẹ, thậm chí chẳng bao giờ nghĩ đến việc đó, thông thường con chỉ gọi điện thoại hỏi thăm qua loa thôi. Nên hoạt động này đối với con rất ý nghĩa và xúc động. Con nghĩ chúng ta nên duy trì những hoạt động thiết thực như thế.
BH và TT: Cuộc sống hiện đại tạo ra rất nhiều áp lực, từ đời sống sinh hoạt, công việc cho đến các mối quan hệ. Giới trẻ là những người xông xáo tham gia vào các hoạt động đó nhất nên họ cũng là những người chịu áp lực nhiều nhất. Vì vậy, theo con, ngoài các hoạt động mang tính hành động, chúng ta cũng cần đầu tư cho các hoạt động mang tính trị liệu cao để giải tỏa căng thẳng, như ngồi thiền, thiền hành hoặc chỉ đơn giản là các buổi đàm đạo, vấn đáp về Phật pháp.
TB và MTh: Các kinh điển và nghi lễ của Việt Nam bắt nguồn từ kinh điển Hán tạng rất nhiều, nên số lượng từ Hán Việt được dùng rất lớn. Điều này rất dễ gây hoang mang cho giới trẻ, những người quen sử dụng các ngôn ngữ hiện đại. Muốn tiếp cận được giới trẻ, chính Phật giáo cũng phải làm mới mình bằng cách Việt hóa các từ ngữ và nghi lễ để những người trẻ có thể hiểu và làm theo một cách dễ dàng.
PT: Ngoài những điều trên, con thấy để thu hút giới trẻ, chúng ta nên giới thiệu với họ góc nhìn Phật giáo như một nền triết học, một phong cách sống để thực tập theo, nhiều hơn là nhìn Phật giáo như một tôn giáo với nhiều lễ nghi. Điều này sẽ kích thích tính tò mò khám phá của giới trẻ.

hq6

Phong trào Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay như thế nào? Giải pháp đưa đạo vào đời sống sinh viên, học sinh và những người Việt xa quê?

NT: Ở Hàn Quốc, các anh chị em Việt Nam dù thuộc tầng lớp nào cũng thường đến chùa vào các ngày lễ của Phật giáo như Tết Nguyên Đán, Phật Đản, Lễ Vu Lan … nhưng do rào cản ngôn ngữ lớn nên hầu như không tham gia các hoạt động của chùa Hàn Quốc. Đó chính là nguyên nhân các nhóm Phật tử được thành lập một cách tự phát ở rải rác trên đất nước Hàn Quốc. Do vẫn còn ở giai đoạn sơ khai nên các nhóm thường không có quý thầy cô người Việt hướng dẫn, các anh em chủ yếu tự sinh hoạt với nhau là chính. Điểm thuận lợi là đa số người Việt đều mộ đạo nên các hoạt động Phật sự luôn được hưởng ứng nhiệt tình. Tuy nhiên, do cộng đồng người Việt sống rải rác và điều kiện sinh hoạt khác nhau nên thiếu sự liên kết giữa các nhóm để tạo thành một cộng đồng Phật giáo Việt Nam lớn mạnh tại Hàn Quốc. 
Trong đó, chỉ duy nhất Đạo tràng Viên Ngộ (gồm 7 đạo tràng thành viên nằm ở 7 thành phố lớn của Hàn Quốc) có giáo thọ sư là thầy Thích Tường Thanh và cô Thích Nữ Phước Hạnh. Các thầy cô đã giúp chúng con vạch ra đường hướng và tôn chỉ hoạt động rõ ràng. Tuy thời gian chúng con được sinh hoạt trong đại gia đình Viên Ngộ chưa lâu nhưng chúng con cũng nhận thấy đạo tràng đang đi đúng hướng với nhiều hoạt động thiết thực: gắn liền đạo pháp với dân tộc, bởi vì tính dân tộc luôn là điều mà những người con xa xứ như chúng con luôn đau đáu hướng về. Vì Đạo tràng Viên Ngộ còn khá non trẻ, nên các hoạt động quảng bá hình ảnh của Phật giáo Việt Nam rất được chú trọng, như tham gia Lễ hội rước đèn lồng và Triển lãm Phật giáo quốc tế ở Seoul mừng lễ Phật Đản. Bước đầu, những hoạt động này đã tạo được dấu ấn tốt đẹp với người dân bản địa và những người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc. Bên cạnh những hoạt động mang tính bề nổi đó, hàng tuần hoặc hàng tháng, các khóa tu tập tại các đạo tràng thành viên vẫn diễn ra đều đặn. Hay như những dịp lễ lớn hoặc được nghỉ dài ngày như lễ Vu Lan hoặc Trung Thu, Tổng Đạo tràng lại tổ chức các khóa tu lớn mang phong cách thuần Việt, thu hút hàng trăm Phật tử đến tham dự, và thỉnh chư Tôn Đức từ Việt Nam sang chứng minh và hướng dẫn. Ngoài ra, còn một hoạt động mà chúng con cho là mang ý nghĩa lớn và lâu dài đối với nhiều thế hệ người Việt sinh sống ở Hàn Quốc, đó là cuộc vận động quyên góp gây quỹ xây chùa Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc do Đạo tràng Viên Ngộ phát động. Hoạt động này được hưởng ứng mạnh mẽ ở nhiều nơi với lộ trình thực hiện khá khoa học như “Nuôi heo đất, cất chùa Việt” và tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp đều có thể tham gia góp “từng viên gạch, từng viên ngói” cho ngôi nhà Việt Nam này. Như thầy Thích Tường Thanh đã từng dạy chúng con “Thành tâm tất thành tựu”, chúng con tin rằng giấc mơ đó sẽ sớm trở thành hiện thực.

hq1
PT. Phúc Trường và nhóm CTV. Viên Ngộ Daejeon

Source: http://tuvienkhanhan.com/index.php/cong-tam-quan/ngoai-quan/news/803-khi-tri-thuc-tim-ve-voi-tue-giac



Back to top