Hạt từ bi đang lớn dần trong trái tim Việt nơi xứ Kim Chi

11/04/2017 15:42
Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc với hơn 150.000 người sinh sống, chủ yếu tập trung vào 03 đối tượng chính là du học sinh, hợp tác lao động và sang xây dựng gia đình. Dù đi theo diện nào thì nỗi lòng vẫn xót xa mỗi khi tết đến xuân về hay những ngày hội lớn theo truyền thống Việt Nam. Chỉ cần nghe được tiếng chuông, tụng được một bài kinh đã là niềm hạnh phúc lớn đến với những người con xa xứ. Thầy Thích Tường Thanh, vị tăng trẻ xuất thân từ miền cát trắng Nha Trang, sau gần 15 năm xuất gia, được đào tạo qua các lớp Sơ cấp, Trung cấp rồi Đại học Phật học, thầy phát nguyện sang xứ Kim Chi trải thân hành đạo, đem ánh sáng Phật pháp đến với cộng đồng người Việt đang sinh sống tại đây, CTV Web có cuộc trò chuyện ngắn với thầy, BBT xin giới thiệu đến người đọc.

Thưa thầy, cơ duyên nào đã đưa thầy đến hành đạo ở đất nước Hàn Quốc?

Tất cả như một nhân duyên mầu nhiệm đã được gieo trồng từ trước, năm 2013, cùng với một Phật tử trẻ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, chúng tôi đã tạo một kênh mạng xã hội Facebook với tên “Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc” để kết nối đồng hương. Người Việt sống tại HQ, một số đã là Phật tử, số còn lại hầu như đều là những người kính quý đạo Phật, nên khi tổ chức khóa tu, hoặc giảng pháp trên mạng, các bạn đều hân hoan tham dự. Sau hơn một năm hướng dẫn đại chúng tu học từ xa, đến năm 2014, lần đầu chúng tôi đặt chân đến xứ sở này.

Do sự tha thiết thỉnh mời của bà con nên chúng tôi sang chứ thực ra chương trình học tại Học viện Phật giáo Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Và, chúng tôi chỉ đi qua lại khi có lễ hội hay tổ chức khóa tu. Đến giữa năm 2015, sau khi tốt nghiệp Học viện, chúng tôi phát nguyện sang, tu học và gắn bó với cộng đồng kiều bào Việt Nam nơi đây.

1

Thầy có cảm nhận được những điểm đồng dị giữa Phật giáo Việt Nam và Hàn Quốc về đời sống tu tập của tăng sĩ cũng như về mặt truyền bá giáo lý?

Sang đây, chủ yếu là sinh hoạt trong lòng cộng đồng Việt Nam nên chưa tìm hiểu kỹ về Phật giáo bản địa, tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy có những nét đồng dị về Phật giáo hai nước. Cùng là các nước đồng văn và ảnh hưởng lớn từ Phật giáo Trung Quốc nên hai nước có khá nhiều điểm tương đồng trong pháp học, pháp hành và mô hình sinh hoạt.

Phật giáo nơi đây chủ yếu là truyền thống Bắc truyền (Mahayana), Tăng đoàn sinh hoạt theo tông môn pháp phái. Có một số tông phái như: Tào Khê, Thiên Thai, Chân Giác, Pháp Cổ, PG Viên . . . Trong đó Tào Khê là tông lớn nhất. Đạo Phật Hàn Quốc từng là quốc giáo nơi đây nhưng hiện nay đang có khuynh hướng giảm dần vì nhiều lý do khách quan và chủ quan trong thời cận, hiện đại. Trước trào lưu phát triển đất nước theo khuynh hướng phương Tây, “cơn lốc Tin lành hóa” đã ào ào thổi vào nhịp sống xã hội hiện đại và đã sớm khẳng định vị thế nơi một đất nước có một lịch sử Phật giáo hào hùng với 14 vị thánh tăng là Quốc sư và là đất nước đang sở hữu bộ Đại tạng Kinh Cao Ly cổ kính. Phật giáo Hàn Quốc hiện nay đã năng động biến chuyển để thích ứng với hoàn cảnh. Điều ấy đúng với tinh thần tùy duyên của Phật pháp. Tuy nhiên, khuynh hướng này đang đứng trước hai khó khăn: thụ động quá thì bị tuột hậu mà năng động quá thì lại có nguy cơ bị thế tục hóa. Nếu không lấy tinh thần giới luật làm đầu và đi quá xa với truyền thống thì Phật giáo Hàn Quốc sẽ bước theo vết xe đổ của Phật giáo xứ Anh Đào.

3

Cộng đồng người Việt nói chung và Phật tử nói riêng có đặc trưng cuộc sống thế nào?

Kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc hơn 150.000 người, sống rải rác khắp nơi, chủ yếu là người đang tạm cư kiếm sống để thay đổi phần nào cuộc sống ở quê nhà. 03 đối tượng sinh sống tại đây là: xuất khẩu lao động, lập gia đình với người Hàn và du học sinh… Ngoài một số điều kiện bên ngoài góp phần tạo nên cuộc sống an bình thì còn rất nhiều khó khăn từ hoàn cảnh và nhận thức, nếp sống của cộng đồng.

Môi trường lao động thì thường có tính chất 3D (difficult, dirty, dangerous - khó khăn, độc hại và nguy hiểm), người Việt phải “cày” trong thời gian khá dài nên để lại nhiều hệ quả xấu: stress, suy nhược, bệnh tật, tai nạn lao động, đột tử…

Các bạn lập gia đình với người Hàn thì lại là vấn nạn lớn của xã hội Hàn Quốc mà cần giải quyết phần ''Nhân'' từ cả hai phía. Môi trường học tập ở Hàn thì khá căng thẳng mà du học sinh Việt thì hầu như vừa học vừa làm nên cũng mệt mỏi và kết quả học tập không như mong muốn.

Bên cạnh đó, người Việt còn gặp những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, nếp sống…và nhất là chưa có điểm tựa tinh thần vững chãi như đoàn thể tu học lớn, trung tâm văn hóa Việt, ngôi chùa Việt. Đời sống kinh tế vốn đã khó khăn, đời sống tinh thần lại nghèo nàn, đang là ưu tư lớn cho những người có tâm huyết với cộng đồng.

Tuy vậy, cũng có một số cá nhân/tổ chức đã vượt khó, vươn lên để thay đổi cuộc sống chính mình cả bên ngoài lẫn tâm hồn để góp phần tạo nên ấn tượng Việt tại xứ sở Kim Chi này cũng như các cộng đồng ngoại quốc khác.

2

 

Hướng đi nào thích hợp của việc hướng dẫn sự tu tập cho cộng đồng người Việt tại đây khi mà cuộc sống của bà con ta chưa thật sự an cư?

An cư dài lâu là điều kiện để tạo nên lạc nghiệp. Tuy nhiên, hoàn cảnh chưa đủ dài lâu thì chúng ta tập nếp sống an cư, an vui trong từng điều kiện mình có được!

Tùy thuận theo những đặc trưng của kiều bào nên việc sinh hoạt Phật giáo cũng phần nào khác với quê nhà. Ngoài các lễ hội truyền thống của Phật giáo: Phật đản, Vu lan, Tết nguyên đán thì các khóa tu học vào ngày chủ nhật theo truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam thường xuyên được tổ chức. Bên cạnh đó, các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc Việt, hỗ trợ các thông tin luật pháp, du học, mở lớp tiếng Hàn, tiếng Việt, hoạt động thiện nguyện…chúng tôi đều cố gắng tổ chức, tham gia. Các lễ hội đa văn hóa, giao lưu tôn giáo, cộng đồng chúng ta cũng góp phần giới thiệu về Phật giáo Việt Nam cho người bản địa và bạn bè quốc tế. Nói chung, Đạo tràng Viên Ngộ vừa tu tập để rèn luyện tự thân, tập nếp sống bình an vừa cùng phụng sự xã hội để tạo dựng một cộng động Việt Nam vững mạnh, lành mạnh.

5

 

Chúng ta đã có một tổ chức pháp nhân chính danh được nhà nước Hàn quốc công nhận chưa? Tâm nguyện xây dựng một ngôi chùa Việt của thầy đang tiến triển tốt chứ?

Khi bắt đầu sinh hoạt tại đây, chúng tôi vừa cố gắng xây dựng đoàn thể vững chãi vừa kiến tạo cơ sở nương tựa và hành chính. Hiện tại, chúng tôi đã được nhà nước Hàn Quốc cộng nhận là một tổ chức văn hóa Phật giáo Việt Nam vào tháng 5.2015 với tên gọi chính thức là Đạo Tràng Viên Ngộ (베트남불교원오도량 - Wonodorang).

Nơi quê nhà, xây dựng một ngôi chùa đã gặp nhiều khó khăn, ở hải ngoại càng khó hơn nhiều lần, nhất là các thủ tục pháp lý, đặc biệt là tài chính. Hiện nay, Đạo tràng đang chia thành từng giai đoạn để thực hiện việc xây dựng chùa. Giai đoạn 1 là thiết lập Đạo tràng và Tịnh thất đã xong. Giai đoạn 2 là mua đất rồi mới tính đến việc xây dựng cơ sở tạm thời. Giai đoạn 3 mới tiến hành xây dựng cơ sở kiên cố. Ngôi chùa ở hải ngoại không đơn thuần là nơi tu tập mà còn là điểm tựa tinh thần, nơi trở về của những người con Việt xa xứ và là trung tâm cho các hoạt động văn hóa truyền thống, các dự án thiện nguyện, phụng sự cộng đồng… Tâm nguyện ấy là của cả cộng đồng nhưng vì những hạn chế về hoàn cảnh kinh tế, pháp lý nên có phần nào khó khăn.

Thầy cần sự yểm trợ nào từ trong & ngoài nước để chí nguyện hành đạo tại Hàn quốc có nhiều thuận duyên hơn?

Để Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc ngày một phát triển vững mạnh thì đoàn thể tu học phải vững chãi và có pháp lạc. Hiện tại, chỉ có chúng tôi là tu sĩ Việt Nam tại đây, tự nhận thấy tuổi đời thì chưa đủ sự chính chắn, trải nghiệm tu học thì chưa đủ thâm niên, nếu được sự quan tâm của quý Tôn đức từ trong và ngoài nước, yểm trợ Đạo tràng bằng cách hướng dẫn pháp học và pháp hành thì thật là phước duyên lớn.

Và, để sớm có “Mái chùa che chở hồn dân tộc”, Đạo tràng rất mong nhận được sự gia tâm cầu nguyện của quý Tôn đức và đạo tình của quý Phật tử cũng như sự chung tay góp từng mét đất, mái gói, viên gạch của tất cả quý vị đồng hương, quý mạnh thường quân để ngôi chùa Việt sớm có mặt trên đất Hàn.

4

 

Mọi sự yểm trợ, góp phần công đức xin gởi về:

- Address: Tịnh thất Viên Ngộ, Incheon metropolitan city, Namdong-gu, Baekbom-ro, 399, 1505ho (Art Polis).

- Phone: 010-5156-6989 (Tường Thanh); Email: vienngokr@gmail.com

- Fanpage: facebook.com/vienngokr; Website: www.vienngo.com.

Quỹ Xây Chùa Việt Nam:

*Tại Việt Nam:

- Ngân hàng Woori Hanoi, số tài khoản 1009-2013-0337, chủ tài khoản Nguyễn Văn Đông (Thích Tường Thanh)

*Tại Hàn Quốc:

- Ngân hàng Woori (우리은행), số tài khoản 1005-602-629461, chủ tài khoản 원오도량 (Đạo tràng Viên Ngộ)

Chân thành cám ơn và kính chúc thầy hoàn thanh ý nguyện.

Thực hiện: Thanh Viên

Soucre: http://tuvienkhanhan.com/index.php/cong-tam-quan/ngoai-quan/news/799-hat-tu-bi-dang-lon-dan-trong-trai-tim-viet-noi-xu-kim-chi



Các tin tức khác

Back to top