Về nguồn với Sư ông Thích Thái Hòa

11/05/2017 16:17
VNO - Với Phật tử Đạo tràng Viên Ngộ tại Hàn Quốc, mùa Phật Đản 2017 đã đi qua trong niềm hạnh phúc, trong niềm vui trọn vẹn, ấm lòng. Sau cái chộn rộn, tất bật tại sân vận động trường Đại học Dongguk, Seoul chuẩn bị cho buổi lễ diễu hành và tham gia các hoạt động tại gian hàng triển lãm văn hóa Phật giáo cũng như thực hiện nghi thức tắm Phật, Phật tử trong Đạo tràng được lắng nghe bài Pháp thoại của Sư ông Hòa Thượng Thích Thái Hòa - Tổng Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Cố vấn Giáo hạnh GĐPT Việt Nam tại chùa Jogye-sa. Buổi Pháp thoại diễn ra trong không khí ấm áp, gần gũi và xúc động.

Đây không phải là lần đầu tiên nghe thuyết Pháp nhưng sao hôm nay, lòng tôi bỗng xôn xao những cảm xúc rất lạ. Có lẽ cảm xúc ấy đến từ không khí ấm áp, thân thiện của Đạo tràng và đến từ bài giảng sâu sắc, từ giọng nói ấm áp, gần gũi mà mạnh mẽ như truyền tình yêu dân tộc đến mỗi người dân Việt trên đất Hàn của Sư ông.

Chúng tôi lắng nghe từng lời của Sư ông trong niềm hoan hỉ và cảm giác như trái tim mình đang được mở ra, yêu thương hơn, gần gũi hơn với những người xung quanh, mà mới hôm qua thôi, vẫn còn là những người xa lạ. Có quá nhiều điều tôi muốn chia sẻ sau khi dự buổi pháp thoại, nhưng trong niềm cảm xúc rất riêng của mình, tôi chỉ muốn ghi lại những quan sát và cảm nhận của mình từ phía người “truyền lửa” – Sư ông Thích Thái Hòa. Còn những triết lý về Phật giáo, về đời sống tâm linh của người Việt được lĩnh hội qua bài pháp thoại của Thầy, tôi nghĩ ai cũng cảm nhận được và muốn giữ trong tâm mà suy ngẫm. Có thể những cảm nhận của tôi mang tính chủ quan nhưng nó đến từ tấm lòng của một Phật tử lần đầu tiên được gắn kết trong một cộng đồng, mà sợi dây gắn kết ấy là tình đồng hương, đồng Đạo và lần đầu tiên được lắng nghe những lời nhắn nhủ ấm áp của một bậc Thầy, một vị chân tu nơi đất khách.  

ve nguon1

Cung nghinh chư Tôn đức quang lâm giảng đường

1. Thấu hiểu và cảm thông – Sự an yên trong tâm hồn đến từ Thầy

Điều đầu tiên tôi cảm nhận được ở Thầy là sự thấu hiểu và cảm thông với nỗi lòng, với hoàn cảnh sống hiện tại của những người con xa xứ. Với Thầy, người Việt Nam có mặt trên đất nước Hàn Quốc với 3 lý do: du học, lao động và đi theo tình cảm hôn nhân. Dù đi theo con đường nào, cuộc sống của người Việt nơi xứ người cũng gặp muôn vàn khó khăn: khó khăn vì cuộc mưu sinh, vì sự khác biệt văn hóa, vì sự bất đồng ngôn ngữ... Khi đến xứ lạ, chẳng những không được thấu hiểu mà người Việt Nam còn hay bị ngộ nhận. Đó cũng là điều dễ hiểu. Vì ngay khi sống trong đất nước mình, nói tiếng nói của dân tộc mình, học văn hóa của mình, có cha mẹ, anh em, bạn bè bên cạnh, vậy mà mình cũng chưa thành công, huống hồ là sống ở nước ngoài. Thầy rất thấu hiểu, nếu có làm việc quần quật ngày đêm, bất kể nắng mưa, bất kể ngày lễ hay cuối tuần, người Việt mình cũng không phải xuất phát từ lòng tham như người ta từng nghĩ mà vì những lo toan thường nhật. Nỗi lo vây bủa tứ bề, không chỉ lo cho sự tồn tại của bản thân mình, họ còn lo cho gia đình, tổ tiên, họ hàng, rồi lo cho Phật pháp... ở quê hương. Điều đó xuất phát từ đời sống tình cảm, tâm linh rất đặc trưng của người Việt mà những người khác văn hóa với người Việt, khó có thể hiểu được. Một khi không hiểu được đời sống tình cảm của người Việt, không hiểu tâm linh Việt, không cảm nhận được hạnh phúc của người Việt thì làm sao họ có thể hiểu được những gì mà người Việt đang làm?

Chính sự thấu hiểu của Thầy và chính những lời tâm tình như đi ra từ gan ruột của Thầy đã khiến người nghe rưng rưng xúc động. Họ cảm thấy yên lòng hơn khi nghe Thầy động viên: “Cứ sống đi, rồi người ta sẽ hiểu mình, khi đã hiểu, họ sẽ rất khâm phục người Việt Nam mình”. Vì hiểu những khó khăn ấy nên Thầy cũng mong muốn Phật tử Việt Nam sớm có nơi nương tựa tinh thần, tâm linh trên đất Hàn. Hơn ai hết Thầy hiểu, khi chúng ta đi một mình, không có văn hóa, không có truyền thống tâm linh; không có tổ tiên cha mẹ, không có quê hương đi theo với mình thì chúng ta khó làm cho người khác hiểu được mình.

Tôi nghĩ, trong cuộc sống, không gì xoa dịu nỗi lòng của người khác, khiến họ cảm thấy tin cậy, tâm họ cảm thấy bình an, tự tin mà bước tới bằng sự thấu hiểu và cảm thông. Sư ông đã đến với Phật tử Việt Nam ở Hàn Quốc bằng sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc; đã cho chúng ta hiểu rằng, đó là con đường ngắn nhất để con người tìm được sự an yên trong tâm hồn và ngày cáng xích lại gần nhau.

ve nguon2

Phật tử múa dâng hoa cúng dường

2. Tự hào và tin tưởng – Niềm khích lệ lớn lao từ Thầy

Điều thứ hai, tôi cảm nhận được là niềm tự hào và tin tưởng vào cộng đồng Phật tử Việt Nam của Thầy. Là người từng đi làm Phật sự qua nhiều quốc gia trên thế giới, Thầy cảm nhận được tình yêu quê hương, yêu văn hóa Việt Nam nồng nàn của những người con Việt. Thầy tự hào vì đi đến đâu cũng thấy người Việt Nam nói chung và người Phật tử nói riêng làm việc siêng năng, thông minh, yêu quê hương, sống tình cảm và có tinh thần hoằng pháp. Câu chuyện thầy chia sẻ khi lên núi Linh Sơn, Ấn Độ, là minh chứng thuyết phục cho điều đó:

Khi gặp đoàn Phật tử Việt Nam, những người nghèo ở Ấn Độ liền chắp tay niệm “Nam mô A Di Đà Phật” bằng tiếng Việt. Theo Thầy, điều này cho thấy Phật tử Việt Nam đã từng có mặt ở nơi đó. Vì khi cho người nghèo đồng tiền từ tâm mình, Phật tử Việt Nam đã hướng dẫn cho họ niệm Phật A Di Đà nhằm giúp họ thay đổi tâm thấp kém, mong hạt giống Phật pháp lưu lại trong tâm họ, để họ có cơ hội xóa đi cái nghèo trong tâm hồn. Một khi cái nghèo trong tâm hồn được xóa đi, họ sẽ thoát ra khỏi cái nghèo về vật chất bên ngoài. Đó là biểu hiện tinh thần hoằng pháp khắp nơi của Phật tử Việt Nam. Hay tinh thần hướng về Phật pháp của Phật tử Việt Nam ở một tiểu bang nhỏ cách Matxcova 5000 cây số cũng làm cho người nghe xúc động. Họ đã thuê một quán cà phê, dựng tạm bàn Phật và mời Thầy về giảng. Họ ngồi nghe Thầy giảng từ 7 giờ đến 12 giờ khuya, không muốn ra về. Trong đó, có người đi cả chặng dài 600 cây số để về nghe Pháp, sau đó còn xin quy y....

Những câu chuyện nhỏ mà ý nghĩa rất lớn. Chính những câu chuyện đó cùng với niềm tự hào, tin tưởng của Thầy vào Phật tử Việt Nam đã truyền sang cả chúng tôi. Với cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc, Thầy cũng không giấu được niềm xúc động, tự hào khi thấy Đạo tràng ngày càng lớn mạnh, đoàn kết, gắn bó với nhau. Chúng tôi rất thấm thía lời khuyên của Thầy: “Đừng vì việc nhỏ mà hư việc lớn, hãy đặt đạo Pháp, đặt dân tộc mình lên trên hết. Mọi chuyện rồi sẽ đi qua. Mình thương ai, ghét ai rồi cũng sẽ đi qua, chỉ có tình Đạo là còn lại mãi mãi”.

Đúng vậy, chỉ có tình Đạo là còn lại mãi mãi dù hoàn cảnh có đổi thay. Cảm ơn Thầy đã cho chúng con hiểu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ đối tượng nào, sự ghi nhận những điều họ làm được, tự hào về những thành công của họ và tin tưởng vào khả năng cũng như tấm lòng của họ, sẽ là niềm khích lệ lớn lao, giúp họ tăng thêm năng lượng sống.

ve nguon3

“Thà mất nước không thà mất hạnh”

ve nguon4 

Tổng kết chương trình "Nuôi heo đất - Cất chùa Việt"

3. “Ôm ấp linh hồn quê hương” – Ngọn lửa yêu thương được thắp lên từ Thầy

Đặc biệt, tôi rất ấn tượng về khả năng truyền lửa, truyền sức mạnh đến người nghe của Sư ông. Chủ đề bài thuyết pháp của Thầy hướng đến tình quê hương trong trái tim của những người con Phật khi sống xa quê hương. Rất nhiều lần trong bài giảng, Thầy nhắc lại cụm từ “ôm ấp linh hồn Việt Nam”. Dù đi bằng con đường nào, lý do nào, chúng ta cũng ôm ấp linh hồn Việt Nam để đi. Với Thầy, linh hồn đó là Phật giáo.

Tôi ngạc nhiên vì cách lý giải giản dị mà sâu sắc của Thầy. Cách đây trên 2000 năm, tổ tiên Việt Nam đã tiếp nhận đạo Phật như một sinh chất để tạo ra hồn thiêng sông núi Việt Nam. Bốn ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Việt Nam (ở Bắc Ninh) được đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, và Pháp Điện. Pháp Vân là “vầng mây Chánh pháp”. Tổ tiên chúng ta tiếp nhận đạo Phật như một vầng mây của chánh pháp, che mát cho dân tộc Việt Nam chúng ta, che chở những khung trời oi bức lúc bây giờ. Pháp Vũ là “cơn mưa Chánh pháp”, tưới tẩm, nuôi dưỡng những hạt giống tốt đẹp cho mỗi trái tim, cho đất nước chúng ta. Hạt giống tốt đẹp đó là hiếu đạo, là tình người, là sự vươn lên từ điều kiện sống của mình. Pháp Lôi là “tiếng sấm Chánh pháp”, làm cho con người tỉnh thức và thúc giục người ta đi tới với nhau bằng cách mở trái tim mình ra, mở sự hiểu biết của mình ra. Khi nào có sự hiểu biết lớn, trái tim chúng ta sẽ tự mở ra và có thể chấp nhận mọi thành phần của xã hội, chấp nhận mọi sự dị biệt. Lúc đó, chúng ta sẽ hiểu dù là kẻ Nam người Bắc hay kẻ Á người Âu, ai cũng có những nỗi đau. Chúng ta phải sống cùng, sống với để chia sẻ những nỗi đau đó với nhau. Còn Pháp Điện là “ánh sáng Chánh pháp”. Tổ tiên chúng ta tiếp nhận đạo Phật như một năng lượng của ánh sáng, soi đường cho cả dân tộc đi.

Như vậy, “vầng mây Chánh pháp”, “cơn mưa Chánh pháp”, “tiếng sấm Chánh pháp” và “ánh sáng Chánh pháp” đã tạo ra sinh chất, linh hồn Việt Nam. Cho nên, dù đi đâu, dù sống ở đâu, chúng ta cũng phải “ôm ấp linh hồn Việt Nam”. Và nhờ vậy mà chúng ta không bị mất gốc, vẫn giữ được tình cảm tâm linh; vẫn giữ được văn hóa của mình. Trong “Lục độ tập kinh” có dạy: “Thà mất nước không thà mất hạnh”. Theo Thầy, mất “hạnh” ở đây có nghĩa là mất văn hóa, mất đạo đức, mất tình cảm tâm linh truyền thống. Nếu mất những điều đó là chúng ta đã mất chính bản thân mình, mất cả tổ tiên, mất luôn cả giang sơn Tổ quốc và chúng ta sẽ không còn cơ hội để trở về. Vì vậy, người Việt mình đi đâu cũng đem linh hồn Việt Nam đến đó, hút được tinh chất của mọi người, làm giàu cho tinh chất Việt Nam, làm giàu cho linh hồn Việt Nam.

Để giữ được tình quê hương, giữ được linh hồn dân tộc, Thầy chỉ cho Phật tử hiểu một trong những “cái gốc” khổ đau của con người là bất hiếu, và sống phản bội. Đó là tội rất lớn, khó được tha thứ. Phản bội cha mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ có cha mẹ, không bao giờ gọi lên được hai tiếng “cha ơi, mẹ ơi” mỗi khi mình đau khổ. Phản bội Tổ quốc, chúng ta sẽ không còn có đường về. Phản bội đồng Đạo, chúng ta không bao giờ có được tình cảm chân thật, vì chỉ có tình Đạo là tình chân thật, lớn lao, vượt lên tình cảm huyết thống, vượt ra khỏi quốc gia, biên giới: “Mỗi người mỗi nước mỗi non. Bước vào cửa Phật như con một nhà”. Đó là lý do Thượng tọa Tánh Không, Tổng Thư ký Hiệp Hội Phật giáo Hàn Quốc đã ân cần nói với Sư ông: “Người Việt Nam ở đây nhiều lắm tôi xin các Ngài quan tâm đến người Việt Nam, đến Phật tử Việt Nam ở đây”. Chỉ có người con Phật trải rộng trái tim ra, sống bằng tất cả tuệ giác, bằng tất cả tình thương mới không có tâm phân biệt; mới mong cầu cho mọi người Việt Nam đang sống ở đây đều có cuộc sống hạnh phúc như vậy....

ve nguon5

Chư Tăng chú nguyện tịnh tài cúng dường quỹ xây chùa Việt tại Hàn

ve nguon6

"...hãy đặt đạo Pháp, đặt dân tộc mình lên trên hết."

Bắt đầu từ “linh hồn Việt Nam” dẫn dắt người nghe đến với những tình cảm thiêng liêng mà gần gũi trong trái tim mỗi người con Việt (tình cảm gia đình, tình huyết thống, tình yêu quê hương, đất nước...), Sư ông đã thắp lên trong lòng những người con Phật ở đây ngọn lửa yêu thương của Chánh pháp; truyền cho họ sức mạnh để họ tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn, dù con đường ấy còn lắm chông gai. Buổi Pháp thoại kết thúc trong niềm vui lan tỏa, trong tình yêu thương của cả Đạo tràng, hứa hẹn một mùa vui vào Lễ Phật Đản năm sau.

 

Bài: Tuệ Xương Trần Mai Nhân

Ảnh: Dũng Nguyễn



Các tin tức khác

Back to top